Điều kiện kinh doanh xăng dầu tạo ra chạy chọt, bôi trơn, lợi ích nhóm
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
Đây là khẳng định của ông Thỏa khi trao đổi với phóng viên Báo Giao thông về cách thức quản lý xăng dầu cũng như diễn biến giá cả, cung cầu (đang khan hiếm) hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) âm, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng bù vào khiến họ lâm vào cảnh khó khăn. Theo ông, cách điều hành hiện nay có khiến doanh nghiệp lỗ hay không?
Tại sao lại có quan điểm như vậy? Dù Nhà nước có nhu cầu ổn định giá thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đâu có lỗ!
Doanh nghiệp được sử dụng Quỹ BOG để bù phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán cơ mà. Doanh nghiệp có phải “hi sinh” chi phí kinh doanh của mình cho xã hội đâu mà thua lỗ?
Còn khi thực hiện BOG nếu Quỹ BOG âm thì Nhà nước đã cho phép vay vốn để bù đắp và được tính lãi suất tối đa bằng mức lãi suất áp dụng cho khoản tiền gửi thanh toán của ngân hàng thương mại đầu mối mở tài khoản tiền gửi Quỹ BOG.
Các doanh nghiệp cho rằng, lợi nhuận định mức 400-500 đồng/lít hiện nay thấp, chỉ bằng nửa so với trước. Theo ông, mức lợi định mức, chi phí kinh doanh, hoa hồng bao nhiêu thì hợp lý để hài hòa lợi ích ba bên doanh nghiệp - người dân - nhà nước?
Hiện nay, Nhà nước định hướng giá cơ sở (trong đó, có chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức) chính là tạo cơ hội về giá cho doanh nghiệp. Với giá cơ sở định hướng như vậy doanh nghiệp nào dự báo tận dụng được thời gian nhập khẩu, số lượng nhập khẩu với giá hợp lý, lựa chọn được khách hàng phù hợp; tổ chức lưu thông, vận hành mạng lưới tốt... tạo ra giá cơ sở của doanh nghiệp mình thấp hơn giá định hướng thì doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận nhiều hơn lợi nhuận định mức và ngược lại.
Đây cũng chính là phương thức tạo cạnh tranh về giá theo lộ trình thích hợp và tiến tới cạnh tranh đúng nghĩa gắn với tổ chức lại sản xuất kinh doanh hợp lý.
Với quy định về chi phí kinh doanh định mức: Xăng không chì 1.050 đồng/lít, xăng E5, E10: 1.250 đồng/lít, Diedel, dầu hỏa: 950 đồng/lít, Ma dút: 600 đồng/kg và lợi nhuận định mức: 300 đồng/lít đã được tính ở mức chi phí trung bình tiên tiến cũng sẽ có tác động tích cực đến việc thúc đẩy các doanh nghiệp xem xét tổ chức, vận hành mạng lưới phù hợp, quản trị có hiệu quả... nhằm đạt được mức chi phí thấp nhất để có thể cạnh tranh được.
Theo ông, Nhà nước có nên mở cửa hơn nữa để nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, tạo cạnh tranh hơn. Trong trường hợp đó, cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nào?
Tôi cho rằng cần phải sửa Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tiếp cận được, đặc biệt là rà soát tháo gỡ các điểm “nghẽn” về điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính về kinh doanh xăng dầu.
Ví dụ dễ thấy nhất là các quy định: Tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối. Thương nhân đã ký hợp đồng làm tổng đại lý cho thương nhân đầu mối không được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân đầu mối khác. Đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một thương nhân đầu mối.
Quy định quá ngặt nghèo như vậy đã tạo ra rào cản, chạy chọt, bôi trơn - một thứ tiêu cực vì lợi ích của một nhóm người trên thực tế; không chỉ thế mà nó còn làm cho thị trường không có cạnh tranh và suy cho cùng là làm méo mó thị trường.
Giá xăng dầu thế giới đang tăng (giá chốt phiên giao dịch 26/3 là 60 USD/thùng), kỳ điều chỉnh giữa tháng trong nước giữ giá do được xả mạnh từ Quỹ BOG. Hiện quỹ bình ổn đã giảm xuống rất thấp, có doanh nghiệp đã ghi nhận quỹ âm, gây áp lực như thế nào lên giá bán?
Nếu không sử dụng các biện pháp BOG thì giá sẽ phải tăng cao. Nhưng để BOG góp phần kiểm soát mục tiêu lạm phát (4%) thì phải tính toán mức tăng và các biện pháp BOG một cách hợp lý.
Xin cảm ơn ông!