Việt Nam xuất siêu hơn 500 triệu USD trong quí I, nhập khẩu xăng dầu tăng gần 50%
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quí I ước đạt 58,51 tỉ USD, tăng 4,7% so với cùng kì năm 2018.
Trong quí I có 9 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện đạt (12,1 tỉ USD), hàng dệt may (7,3 tỉ USD), điện tử, máy tính và linh kiện (6,9 tỉ USD), giày dép (4 tỉ USD), máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (3,9 tỉ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (2,3 tỉ USD), thủy sản (1,7 tỉ USD)...
Đang chú ý, trong quí I, hàng loạt mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kì năm ngoái. Điển hình cà phê giảm tới 23,8% xuống 830 triệu USD; hạt tiêu giảm 14,7% xuống 189 triệu USD; gạo giảm 23,6% xuống 567 triệu USD; hạt điều giảm 17,2% xuống 625 triệu USD.
Riêng mặt hàng cao su có kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 458 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kì năm trước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quí I tính đạt 57,98 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kì năm 2018.
Trong quí I có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 69,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đặc biệt, mặt hàng ô tô có kim ngạch nhập khẩu tăng vọt tới 103,7% lên 1,8 tỉ USD. Nhập khẩu xăng dầu cũng tăng gần 50% lên 1,2 tỉ USD.
Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hồi tháng 2, do sự cố ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đã gặp sự cố về phát điện nên không thể sản xuất nhiên liệu. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã tập hợp các cuộc họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng tối đa công suất sản xuất và sớm đưa nhà máy Nghi Sơn trở lại hoạt động.
Bộ Công Thương đã đề nghị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex nhập khẩu thêm xăng dầu với mức thuế cao hơn bình thường 10% để bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.
Như vậy, tính chung quí I, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 536 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỉ USD.