|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quốc Cường Gia Lai 'sa lầy' khi quỹ đất lớn trở thành gánh nặng hơn là tạo ra giá trị

15:44 | 16/05/2019
Chia sẻ
Sở hữu quỹ đất lớn với hàng chục dự án lớn nhỏ trên toàn quốc nhưng trớ trêu là nguồn lực đất đai chưa tạo ra nguồn thu, mà lại trở thành gánh nặng khiến Quốc Cường Gia Lai lún sâu vào khủng hoảng.

Thông tin mới từ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, sau một tuần hội nghị phản biện dự án lấn sông Hàn Marina Complex của CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) đã đi đến thống nhất xóa bỏ, thay thế hàng loạt quy hoạch. Các khu quy hoạch của dự án Marina Complexlàm công trình cao tầng sẽ chuyển thành đất quỹ công viên cây xanh, bãi đậu xe phục vụ công cộng. 

Từng nắm lợi thế lớn trên thị trường bất động sản, sở hữu quỹ đất lớn với nhiều vị trí đắc địa tại TP HCM và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Gia Lai... nhưng trong ba năm trở lai đây lợi thế này đã trở thành gánh nặng khi việc triển khai khó khăn, đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy của nợ nần.

Bà Nguyễn Thị Như Loan từng tính đến cả chuyện tự tử. Bà chia sẻ trong buổi đối thoại với chính quyền TP HCM hồi tháng 4 rằng Quốc Cường Gia Lai đang bước vào thời kỳ rất khó khăn khi các dự án với tổng quỹ đất 150 ha bị tạm dừng triển khai. Bản thân bà cũng vét hết tiền trong nhà cho doanh nghiệp sử dụng, vay bạn bè, thế chấp nhà, xe để góp tiền cho công ty. Tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện khi nguồn thu từ bất động sản đang gặp bế tắc.

Nguồn thu hạn hẹp, khối nợ phình to

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế của Quốc Cường Gia Lai chỉ hơn 5,5 tỉ đồng, giảm hơn 84% so với cùng kỳ năm trước. 

Quốc Cường Gia Lai sa lầy khi quỹ đất lớn trở thành gánh nặng hơn là tạo ra giá trị - Ảnh 1.

Không chỉ 12 dự án bị ách tắc ở TP HCM, Quốc Cường Gia Lai cũng nhận thông tin tiêu cực từ chính quyền Đà Nẵng về dự án lấn sông Hàn

10 năm trước, Quốc Cường Gia Lai với quy mô nhỏ bé với vốn chủ sở hữu 618 tỉ đồng, tổng tài sản 2.124 tỉ đồng, nợ phải trả năm 2008 khoảng 1.480 tỉ đồng, gồm 3 công ty con và 3 công ty liên kết. 

Đến nay, bên cạnh việc dính vào những lùm xùm đất công, nợ của Công ty đã tăng lên gần 6.500 tỉ đồng, hàng tồn kho của doanh nghiệp gần 7.400 tỉ đồng. Trong đó có 12 dự án bất động sản dở dang, gồm các dự án khu dân cư đang triển khai.

Quốc Cường Gia Lai sa lầy khi quỹ đất lớn trở thành gánh nặng hơn là tạo ra giá trị - Ảnh 2.

Đvt: tỉ đồng.

Đáng chú ý báo cáo quý I/2019 ghi nhận Quốc Cường Gia Lai chi gần 230 tỉ đồng để trả khoản tiền vay bà Nguyễn Thị Như Loan dù doanh nghiệp vẫn còn mắc kẹt hơn 7.400 tỉ đồng trong các dự án bất động sản bị ách tắc. Trước đó năm 2018, vị nữ chủ tịch kiêm CEO này đã cho chính công ty của mình mượn 308 tỉ đồng. Đến nay doanh nghiệp này đã hạch toán chỉ còn mượn bà Nguyễn Thị Như Loan 71 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính của Quốc Cường Gia Lai, doanh nghiệp cũng đang gặp khó với các khoản vay nợ tại ngân hàng. Tính đến hết quý I/2019, Quốc Cường Gia Lai có tổng cộng 6.484 tỉ đồng nợ phải trả, trong đó, số nợ vay tài chính có phát sinh lãi là 509 tỷ.  

Chủ nợ lớn nhất hiện nay của Quốc Cường Gia Lai chính là Vietcombank Gia Lai với 3 khoản tín dụng tổng trị giá 490 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong số này có khoản vay 50 tỉ đồng đáo hạn vào ngày 11/7/2019 cong lại hai khoản vay tổng giá trị 420 tỉ đồng, có hạn tới tháng 6/2029.

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai còn vay gần 38 tỉ đồng của BIDV Gia Lai; và hơn 64 tỉ đồng của Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga Đà Nẵng… 

Còn theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty, tính đến hết quý I/2019, khoản tiền và tương đương tiền của Quốc Cường Gia Lai chỉ là 53 tỉ đồng, chiếm chưa tới 1% tổng tài sản công ty. Điều này cho thấy phần lớn tài sản của doanh nghiệp đã được mang đi đầu tư vào các dự án, trong khi công ty phải đi vay tiền từ các bên liên quan để bổ sung nguồn vốn lưu động.

Mặt khác, cuối 2018, Quốc Cường Gia Lai bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đặt vấn đề về những "ma trận nợ nghìn tỉ" cũng như những giao dịch góp, thoái vốn mà không báo cáo. Cụ thể, khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2017, Quốc Cường Gia Lai có 14 giao dịch góp, thoái vốn trị giá hơn 3.200 tỉ đồng không được báo cáo đúng quy định.

Doanh nghiệp co cụm

Giữa tháng 4, Quốc Cường Gia Lai quyết định giải thể CTCP bất động sản Hiệp Phát tại TP HCM do hoạt động không hiệu quả và rút toàn bộ vốn. Đây là một công ty con QCG nắm 90% vốn.

Trước đó chưa lâu HĐQT Quốc Cường Gia Lai ra Nghị quyết giảm 195,3 tỉ đồng vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng, đây là chủ đầu tư dự án lấp sông Hàn mà Sở Xây dựng Đà Nẵng mới điều chỉnh quy hoạch nêu trên.

"Nói về dự án này Cần đánh giá một cách khách quan, đặc biệt là thiệt hại về kinh tế sẽ xảy ra nếu đề nghị dừng dự án thời gian dài. Thời gian gần đây, cộng đồng DN đã thực sự lo lắng trước những diễn biến bất lợi trong quan hệ giữa các DN và chính quyền thành phố. Công ty thực sự lo lắng và bất an về môi trường đầu tư…", bà Loan nói trong Hội nghị đánh giá tác động của các dự án lấn sông Hàn tại Đà Nẵng 

Đến nay, Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Liệu Công ty có cơ hội để cải thiện tình hình kinh doanh thời gian tới khi toàn bộ dự án đang bị ách tắc khiến nguồn thu từ bât động sản trở nên hạn chế, trong khi hàng tồn kho và nợ phải trả ngày một phình to.

V.Dũng