|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quĩ lớn nhất VinaCapital bất ngờ công bố đầu tư vào khách sạn tư nhân hàng đầu Việt Nam, trở lại với kênh đầu tư lành nghề khi chán cổ phiếu?

18:14 | 15/01/2020
Chia sẻ
Với chiến lược đầu tư vào cổ phần tư nhân (PE), tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục của quĩ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) sụt giảm trong năm vừa qua. Thay vào đó, tỉ trọng đầu tư vào PE và trái phiếu của quĩ đều tăng.

NAV/chứng chỉ quĩ của VOF giảm 2,3% năm 2019

Quĩ thành viên VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) của nhóm VinaCapital vừa công bố báo cáo kết quả đầu tư tháng 12/2019. Tháng cuối cùng của năm 2019, VN-Index giảm 0,9% mặc dù các chỉ số toàn cầu và khu vực khác đều tăng mạnh. Giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quĩ (NAV per Share) của quĩ VOF giảm 0,4% (tính theo USD).

VinaCap - Ảnh 1.

Lũy kế cả năm 2019, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quĩ của VOF giảm 2,3%, thấp hơn mức sụt giảm 9% trong năm trước đó. Tính đến 31/12/2019, giá trị tài sản ròng của quĩ VOF đạt 915,2 triệu USD, tương đương NAV trên chứng chỉ quĩ đạt 5 USD.

VOF tiếp tục giải ngân 25 triệu USD mua cổ phần khách sạn tư nhân

Kết quả đầu tư trên cho thấy dấu hiệu không mấy khả quan trong hoạt động đầu tư của quĩ có qui mô lớn thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh đó, "cá mập" VOF tiếp tục giải ngân mua cổ phần tư nhân (Private Equity - PE).

Nói về động thái này, quĩ lớn thứ hai TTCK Việt Nam rằng những biến động thất thường của thị trường trong năm vừa qua củng cố thêm chiến lược trước mắt và trung hạn là tăng phân bổ tài sản vào cổ phần tư nhân. Trước đó, VOF thông tin giải ngân khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.430 tỉ đồng) vào PE và kì vọng sẽ nâng tỉ trọng lên trên 20%.

Diễn biến mới nhất, trong tuần cuối cùng của tháng 12, VOF hoàn tất hợp đồng đầu tư thứ tư trong năm 2019 với giá trị 25 triệu USD vào một trong những tập đoàn khách sạn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình MICE gồm các hoạt động như hội nghị, triển lãm, tiệc chiêu đãi hay các cuộc họp.

Nói thêm về thương vụ rót vốn này, VOF sẽ đầu tư 20 triệu USD và nhận một ghế trong hội đồng quản trị của công ty. Số tiền này đã được giải ngân khi đối tác hoàn thành một số điều kiện.

Công ty được đầu tư cam kết về doanh thu đạt 70 triệu USD và thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) đạt 30 triệu USD vào năm 2022. Theo đó, tốc độ tăng trưởng EBITDA đạt từ 25 - 30% trong ba năm tới (2020 - 2022). 

Về phía VOF, quĩ này cho rằng những cam kết đi cùng quyền phủ quyết đối với một số hoạt động của công ty trên sẽ giúp đảm bảo cho quĩ đáp ứng IRR tối thiểu. Song song với đó, quĩ này đánh giá khoản đầu tư này phù hợp với chiến lược dài hạn.

Trong quãng thời gian đầu tư tại Việt Nam, quĩ VOF được biết là đơn vị "lành nghề" khi đầu tư vào lĩnh vực khách sạn và đạt được một số thành quả. Cụ thể, với việc thoái vốn 100 triệu USD khỏi khách sạn Metropole Hà Nội (Sofitel Legend Metropole Hotel Hanoi) trong năm 2016, NAV trên chứng chỉ quĩ của VOF tăng 25,5%, cao hơn so với mức tăng 13,4% của VN-Index.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khách sạn được VOF rót vốn mới đây chưa được công bố chính thức. Trước thương vụ này, vào giữa tháng 10/2019, VinaCapital thông báo đầu tư khoảng 21,4 triệu USD vào Nhựa Ngọc Nghĩa (tương đương gần 500 tỉ đồng), trong đó 17 triệu USD là từ VOF cho một lượng cổ phần không được tiết lộ và hai ghế thành viên trong HĐQT.

Tỉ trọng cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết của VOF đều giảm sau một năm 

Trở lại hoạt động đầu tư của quĩ VOF, với chiến lược tăng đầu tư vào cổ phần tư nhân, cơ cấu danh mục theo tài sản thay đổi đáng kể sau một năm.

VinaCap - Ảnh 2.

Cụ thể, tính đến 31/12/2019, tỉ trọng của cổ phiếu niêm yết trong danh mục của VOF là 60,7%, giảm 6,1% so với thời điểm đầu năm. Tỉ trọng cổ phiếu chưa niêm yết cũng giảm từ 19,3% xuống còn 17,2%.

Quĩ lớn nhất VinaCapital bất ngờ công bố đầu tư vào khách sạn tư nhân hàng đầu Việt Nam, trở lại với kênh đầu tư lành nghề khi chán cổ phiếu? - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của VOF tính đến 31/12/2019. Nguồn: VOF

Thay vào đó, tỉ trọng cổ phần tư nhân (PE) trong danh mục tăng từ 12,6% tại thời điểm đầu năm lên 17,1%. Quĩ lớn thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng qui mô đầu tư vào trái phiếu, tỉ trọng của trái phiếu đạt 3,4% tại thời điểm cuối năm 2019. Bên cạnh đó, tỉ trọng tiền mặt của quĩ là 9,1% tại cuối năm 2019.

Về nhóm cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết, 10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất đạt 56%. Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu danh mục với 11,8%.

Theo sau đó, hai cổ phiếu KDH và ACV chiếm tỉ trọng lần lượt là 9,2% và 7,8%.

Nhóm 10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất còn có các cổ phiếu khác như PNJ, VNM, EIB, QNS,  PVS và FPT.

Ngoài ra, cổ phiếu chưa niêm yết trong Top10 là OCB với tỉ trọng 2,7%.

Phan Quân