|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Qui mô tài sản hơn 4 tỉ USD, các quĩ ngoại hàng đầu tại Việt Nam lãi bao nhiêu tiền năm 2019?

11:24 | 15/01/2020
Chia sẻ
Sau một năm thua lỗ, các quĩ ngoại hàng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam đều có lãi trở lại trong năm vừa qua. Tuy nhiên, đa số các quĩ này đều có hiệu suất thấp hơn so với thị trường chung (underperformance).

Tỉ suất lợi nhuận đạt 4,41%, quĩ ngoại đầu tư thua xa gửi tiết kiệm

Năm 2019 tiếp tục là một năm khó khăn đối với các quĩ đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù tích cực hơn sau khi thua lỗ trong năm 2018, nhưng kết quả đầu tư năm vừa qua các các quĩ ngoại không mấy sáng sủa khi hầu hết tỉ suất lợi nhuận thấp hơn thị trường chung, thậm chí khi so sánh với kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm hoặc một số tài sản khác như trái phiếu doanh nghiệp, vàng.

Dữ liệu thống kê của người viết, 14 quĩ đầu tư nước ngoài đang quản lí danh mục với giá trị tài sản ròng (NAV) đạt hơn 4,06 tỉ USD (có tính đến trọng số đầu tư vào Việt Nam với các quĩ đa quốc gia). Ước tính lợi nhuận năm vừa qua của 14 quĩ này đạt gần 180 triệu USD (gần 4.200 tỉ đồng). 

Với con số ước tính trên, tỉ suất lợi nhuận của năm 2019 của các quĩ ngoại tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 4,41%. Với các quĩ đóng (NAV gần 3,5 tỉ USD), tỉ suất lợi nhuận còn thấp hơn khi chỉ đạt 3,83%. Hiện mức phí quản lí quĩ của các quỹ đóng tại Việt Nam trong khoảng 1,5 - 2%, theo đó nhà đầu tư tại cac quĩ này nhận được mức lợi nhuận chưa đến 2% trong năm vừa qua.

Quĩ nào lãi đậm nhất trong năm 2019?

NAV hơn 4 tỉ USD, các quĩ ngoại kiếm được bao nhiêu tiền năm 2019? - Ảnh 1.

Trong bối cảnh đầu tư khó khăn năm vừa qua, chỉ có 3/14 quĩ ngoại vẫn đạt được tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với tỉ lệ tăng của VN-Index. Hai trong ba số đó là ETF và chỉ phân bổ một phần danh mục vào TTCK chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, iShares MSCI Frontier 100 ETF dẫn đầu với tỉ suất 17,47%. Tuy nhiên, ETF này chỉ phân bổ 11,46% danh mục 508 triệu USD vào các cổ phiếu Việt Nam. Những cổ phiếu Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của quĩ này gồm VIC, VNM và VHM.

Cùng trạng thái tích cực, VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đạt tỉ suất lợi nhuận 8,86% trong năm 2019, cao hơn so với mức 7% của VN-Index. Trong danh mục của ETF này, tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam đạt 68,57%. 

Không giống như hai ETF, quĩ đầu tư đa quốc gia là Matthews Emerging Asia Fund báo lỗ nhẹ 1% trong năm vừa qua. Tính đến 31/12/2019, NAV của Matthews Emerging Asia Fund đạt 375 triệu USD, trong đó tỉ trọng cổ phiếu Việt Nam là 22,2%. Theo sau đó, quĩ này phân bổ 17,2% và 13,4% vào TTCK Indonesia và Bangladesh. Ba cổ phiếu Việt Nam nằm trong Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất là VHC (3,4%), PNJ (2,9%) và SAB (2,9%).

Trong nhóm ETF ngoại trên thị trường, FTSE ETF đạt tỉ suất lợi nhuận 4,02%. Trong khi đó, "tân binh" vừa vận hành giữa tháng 7/2019 là Premia MSCI Vietnam ETF có hiệu suất âm 2%.

Qui mô tài sản hơn 4 tỉ USD, các quĩ ngoại lớn nhất tại Việt Nam lãi bao nhiêu tiền năm 2019? - Ảnh 2.

Hai "cá mập" VinaCapital và Dragon Capital chật vật đầu tư trong năm 2019. Ảnh: Alex Chu

Về hiệu quả đầu tư của các quĩ đóng, JPMorgan Vietnam Opportunities tạm dẫn đầu về lợi nhuận. Tính đến 30/11/2019, quĩ ngoại này lãi 9%. Với qui mô 361 triệu USD, quĩ này đang phân bổ tỉ trọng lớn vào các cổ phiếu "họ Vingroup" (VHM, VRE, VIC) và các bluechips khác như VNM, HPG, SAB, VCB và VJC.

Hai quĩ có qui mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do nhóm Dragon Capital quản lí và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lí đều có lợi nhuận thấp hơn so với thị trường chung (underperformance). Cụ thể, hai quĩ VEIL và VOF chỉ lãi 3,83% và 3,14% cho cả năm vừa qua.

Mặc dù quản lí tài sản gần 1,5 tỉ USD, với tỉ suất 3,83%, quĩ VEIL đã chấm dứt chuỗi 4 năm liên tiếp có hiệu suất đầu tư tốt hơn thị trường.

Cũng trong bối cảnh đầu tư kém khả quan, hàng loạt quĩ ngoại có qui mô vừa khác báo cáo kết quả đầu tư "thua xa" gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp như Pyn Elite Fund (2,83%), PXP Vietnam Smaller Companies Fund (2,94%), PXP Vietnam Emerging Equity Fund (2,02% tính đến 17/12/2019) và Vietnam Holding (1,8%).

Tồi tệ hơn, với hiệu suất đầu tư đạt 3,5% trong cả năm 2019 (tính theo USD), quĩ chuyên "đánh game" nâng hạng Tundra Vietnam Fund đang phải đối mặt với tình trạng nhà đầu tư rút quĩ. So với mức cao nhất 225,8 triệu USD cuối tháng 4/2018, qui mô của quĩ ngoại này giảm gần 82%.

Từ những thống kê trên cho thấy, trong bối cảnh thị trường lình xinh, cả các "cá mập" cũng đau đầu với danh mục tỉ USD. Trong bài tiếp theo, người viết tiếp tục giới thiệu về các cổ phiếu đang được các quĩ ngoại này nắm giữ nhiều nhất.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phan Quân