Quĩ hưu trí lớn nhất thế giới thua lỗ kỉ lục 136 tỉ USD
Lo vỡ quỹ hưu trí, Bộ Lao động muốn rút ngắn thời gian tăng tuổi nghỉ hưu |
Quĩ đầu tư hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) vừa cho biết, trong ba tháng 10, 11 và 12 năm 2018, quĩ này thua lỗ 9,1%, tương đương 14.800 tỉ yên – hay 136 tỉ USD. Cụ thể, giá trị tài sản của quĩ giảm từ khoảng 165.600 tỉ yên hồi cuối tháng 9 xuống còn khoảng 150.700 tỉ yên ngày cuối tháng 12/2018.
Đây là kì có tỉ lệ cũng như giá trị thua lỗ lớn nhất của quí này kể từ tháng 4/2008. Các cổ phiếu tại Nhật là khoản đầu tư mất giá mạnh nhất của quĩ này, tiếp theo là cổ phiếu nước ngoài.
Cổ phiếu đã giúp quĩ GPIF tạo ra lợi nhuận trong hai năm tài khóa trước đây, tuy nhiên đợt bán tháo vào tháng 12 vừa qua đã để lộ ra nhưng rủi ro mà quĩ này phải đối mặt kể từ năm 2014 khi quĩ chuyển sang chiến lược tích lũy cổ phiếu, cắt giảm trái phiếu.
Ông Naoki Fujiwara, giám đốc quản lí quĩ đầu tư tại Shinkin Asset Management, Tokyo cho rằng GPIF không có nhiều lựa chọn ngoài đầu tư vào cổ phiếu, vì lợi suất trái phiếu đã xuống mức quá thấp, đặc biệt là công cụ nợ của chính phủ Nhật Bản.
Ông Naoki cho biết “Việc quĩ GPIF nắm giữ một số tài sản rủi ro nhất định trong bối cảnh hiện nay là hợp lí, vì lợi suất đang thấp trên qui mô toàn cầu và đầu tư vào trái phiếu không mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, từ quan điểm của một người nhận lương hưu, đầu tư vào cổ phiếu là quá rủi ro”.
Quí thua lỗ kỉ lục 14.800 tỉ yên của GPIF. Nguồn: GPIF. |
Quí IV vừa qua, hơn 10.000 tỉ USD đã bị thổi bay khỏi thị trường cổ phiếu toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.
Chỉ số chứng khoán Topix của Nhật bản giảm 18% trong giai đoạn tháng 10-12/2018, đánh dấu mức giảm hàng quí thấp nhất kể từ năm 2008. Chỉ số S&P 500 của Mỹ thì giảm 14%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011. Đồng yên Nhật tăng 3,7% so với đồng USD trong quí IV này.
Ông Shingo Ide, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu tại Viện Nghiên cứu NLI (Tokyo) thì chỉ ra rằng thành tích đầu tư dài hạn của GPIF quan trọng hơn những biến động ngắn hạn. Cụ thể, lợi nhuận lũy kế của GPIF từ năm tài khóa 2001 đến 2018 là 56.700 tỉ yên, tương đương tỉ suất lợi nhuận bình quân 2,7%/năm.
Ông Ide nói “Chúng ta không cần phải quá bi quan chỉ vì GPIF có một quí thua lỗ. Đối với các quĩ hưu trí, thành tích đầu tư dài hạn quan trọng hơn biến động hàng quí”.
Dẫu vậy, theo ông Hidenori Suezawa, chuyên gia phân tích của SMBC Nikko Securities, với khoảng một nửa giá trị tài sản được phân bổ vào cổ phiếu trong và ngoài nước, thành quả đầu tư của GPIF có nguy cơ tiếp tục đi xuống giữa những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu.
“Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết triệt để và vẫn có khả năng vấn đề Brexit sẽ bị kéo dài. Chúng ta vẫn chưa thể lạc quan về triển vọng thành tích đầu tư của GPIF trong thời gian tới tháng 3.
Chủ tịch quĩ GPIF ông Norihiro Takahashi cho biết: Trong quí IV/2018, tâm lí thận trọng của nhà đầu tư tăng lên do lo ngại nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống.