Quí 1-2017, Việt Nam chi tới 338 triệu đô la Mỹ nhập phân bón
Nông dân đang bón phân cho ruộng lúa. Ảnh: TL. |
Đáng lưu ý là mặt hàng phân urê nhập khẩu trong quí 1 lên tới 231.000 tấn, tăng hai lần về lượng so với cùng kỳ. Vẫn như các năm trước, Việt Nam nhập phân bón nhiều nhất từ Trung Quốc.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện mỗi năm Việt Nam cần khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó, 90% là phân vô cơ. Tuy nhiên, sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa nên Việt Nam phải nhập khẩu.
Trong năm 2016, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã nhập 4,16 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,1 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 8% về lượng và 22% về giá trị so với năm 2015. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số một của Việt Nam vì cứ 10 đô la Mỹ bỏ ra để nhập phân bón thì có gần 4,2 đô la Mỹ là trả cho phía Trung Quốc.
Việc lượng phân bón nhập khẩu tăng mạnh trong năm nay là một trong những lý do chính để một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước gửi hồ sơ đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu có mã HS: 3105.10.10, 3105.10.20, 3105.10.90, 3105.20.00, 3105.30.00, 3105.40.00, 3105.51.00, 3105.59.00, 3105.90.00.
Đây là những sản phẩm dùng cho phân bón lót, bón thúc cho các loại cây trồng trên các loại đất khác nhau hoặc để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại phân bón khác.
Kiến nghị trên của doanh nghiệp, nếu căn cứ theo quy định về biện pháp tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là bình thường. Theo đó, một nước nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các điều kiện sau: thứ nhất, hàng hóa liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng; thứ hai là ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng; và thứ ba là có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên.
Nông dân sẽ chịu thiệt?
Một trong những lý do làm phân bón nhập khẩu tăng vọt, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là phân bón nhập từ Trung Quốc, là trong thời gian qua đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá so với đô la Mỹ, nên giá phân bón nhập khẩu từ quốc gia này rẻ hơn so với trong nước. Bên cạnh đó, hai trong bốn nhà máy sản xuất ure thuộc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) sử dụng nguyên liệu đầu vào là than đá nên khi giá than tăng cũng đẩy giá thành sản xuất tăng, qua đó, giảm tính cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Những nhà máy sản xuất phân ure được kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn phân ure nhập khẩu này đã bị thua lỗ trong những năm qua, làm cho nguồn cung trong nước giảm. Do vậy, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Đơn cử như giá nhập khẩu phân ure trong tuần thứ 3 của tháng 3 tại Tân Cảng Hải Phòng có mức giá 237 đô la Mỹ/tấn, tương đương khoảng 5,4 triệu đồng/tấn; trong khi đó, giá bán trong nước từ 6,2-6,4 triệu đồng/tấn, tức cao hơn từ 14-18%.
Vì không thể cạnh tranh được về giá, một số doanh nghiệp muốn "kích hoạt" quy định của WTO về biện pháp tự vệ với hy vọng lấy lại thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp trong ngành nào cũng ủng hộ biện pháp này.
Giám đốc một công ty kinh doanh phân bón cho biết, nếu Bộ Công Thương áp thuế tự vệ với những sản phẩm phân vô cơ nhập khẩu thì nông dân sẽ không được mua phân bón với giá rẻ, trong khi giá phân bón trên thị trường thế giới vẫn còn ở mức thấp.
Mỗi năm Việt Nam cần đến 11 triệu tấn phân bón các loại, chủ yếu là cho cây lúa. Nếu giá phân bón trong nước tăng, đồng nghĩa với việc giá bán cho phần đông nông dân trồng lúa sẽ tăng theo, còn doanh nghiệp kinh doanh phân bón chẳng ảnh hưởng gì.
“Nếu trong trường hợp áp dụng biện pháp tự vệ, giá phân bón trong nước sẽ tăng, hệ quả là hàng triệu hộ nông dân sẽ phải trả giá cao hơn, đẩy giá thành sản xuất tăng lên. Hiện tại gạo Việt Nam xuất không được, phải hạ giá bán, nay giá phân bón tăng, ngành lúa gạo đã khó khăn sẽ còn gặp khó khăn hơn. Vì thế, trên quan điểm một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu phân bón, tôi không đồng tình với chuyện này”, ông nói.
Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến cho dự thảo về nghị định về quản lý phân bón. Theo Bộ NN&PTNT, dự thảo nghị định này sẽ đưa ra những phân cấp và gắn trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý phân bón. Hiện tại, quản lý phân bón đang thuộc quyền của hai bộ, trong đó, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ còn Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ nhưng thời gian qua, trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo nghị định, đã có ý kiến kiến nghị giao cho Bộ NN&PTNT quản lý. |