|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón trong nước có thể tăng đến vụ Đông Xuân

13:48 | 26/09/2023
Chia sẻ
TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng sau khi Trung Quốc có động thái hạn chế xuất khẩu ure, giá phân bón trong nước đã bắt nhịp với thị trường thế giới, đợt tăng này có thể kéo dài đến vụ Đông Xuân - vụ sản xuất chính nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo ở Việt Nam.

Giá phân bón thế giới dẫn dắt thị trường trong nước

Sau nhiều tháng đi ngang, giá phân bón trong nước từ đầu tháng 9 đến nay đã có thay đổi rõ rệt. Dữ liệu củaWiGroup cập nhật đến ngày 20/9 cho biết giá ure Phú Mỹ đang ở mức 11.000 đồng/kg, tăng 11% so với giá từ tháng 7 đến đầu tháng 9. Mặt hàng cùng chủng loại của Đạm Cà Mau cũng nhích từ 10.500 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, tương ứng tăng 14%.

Tương tự, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai cũng có chuyến biến về giá, tăng từ 12.000 đồng/kg lên 13.000 – 13.500 đồng/kg. Còn DAP Hồng Hà xanh cũng bật lên 2.500 đồng/kg, lên 18.500 đồng/kg.

 

Trao đổi với người viết, TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết sau khi Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu ure hôm 6/9, giá mặt hàng này trên thị trường thế giới có xu hướng tăng nhẹ. Thị trường phân bón của Việt Nam vốn “nhạy cảm” với thế giới, giá các mặt hàng ure, DAP trong nước cũng rục rịch đi lên.

Số liệu của Investing cho thấy sau động thái của Trung Quốc, giá loại phân bón này FOB Trung Đông đã bật lên mức 434 USD/tấnngay trong ngày 6/9, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1.

Sau khi phản ứng với tin thị trường, giá ure từ ngày 8/9 đến nay hạ nhiệt xuống 400 USD/tấn, giảm 34 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn mặt bằng giá 8 tháng đầu năm.

 

Ông Phùng Hà cho rằng giá khí tự nhiên đóng vai trò quan trọng, quyết định 70% giá amoniac – nguyên liệu sản xuất ure, phân SA. Tuy nhiên trong đợt tăng này, giá phân bón trong nước chủ yếu đến từ ảnh hưởng yêu cầu hạn chế của Trung Quốc. Còn thị trường nguyên liệu chỉ tác động phần nhỏ.

Khảo sát của người viết, từ đầu quý II đến nay, giá khí tự nhiên diễn biến ổn định trong mức 2-3 USD/mmBTU, tiệm cận với mặt bằng giá của năm 2020, thời điểm trước khi dịch COVID-19 và các cuộc xung đột chính trị, khủng khoảng năng lượng xảy ra.

 

Theo Phó Chủ tịch FAV, thị trường thế giới và thời vụ là những yếu tố ảnh hưởng đến giá phân bón trong nước. Mặc dù hiện tại không phải là cao điểm gieo trồng, giá phân bón đã có rung chuyển nhẹ, đà tăng này có thể kéo dài đến vụ Đông Xuân - vụ sản xuất chính nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng của giá các loại phân bón không đột biến như giai đoạn xung đột chính trị, khủng hoảng năng lượng.

Trong báo cáo về triển vọng ngành phân bón mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành trong nửa cuối năm.

Theo đó, cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá ure. Ngoài ra, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón.

Mặt khác, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Điều này có thể khiến các quốc gia tăng sản lượng gieo trồng và tăng tiêu thụ phân bón.

Giá ure thế giới có thể tăng trong nửa cuối năm 2023 và thị trường nội địa của Việt Nam cũng diễn biến cùng pha. Ngoài ra tại Việt Nam, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm 5-12%, chủ yếu phục vụ cho vụ mùa Đông-Xuân.

Công suất dư thừa, doanh nghiệp phải xuất khẩu để giải phóng tồn kho

Số liệu của FAV cho thấy 4 nhà máy phân ure lớn của Việt Nam sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn/năm. Trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm.

Trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 158.000 tấn phân bón, tăng 12% so với tháng 7, đây cũng là mức cao nhất trong 8 tháng đầu năm. Nhiều lo ngại cho rằng khi giá phân bón tăng, các doanh nghiệp sẽ đổ xô xuất khẩu gia tăng lợi nhuận, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

 

Ông Phùng Hà cho biết riêng mặt hàng ure, công suất sản xuất đã cao hơn nhiều so với nhu cầu. Do đó ngoài việc cung cấp phân bón cho thị trường, các doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho. Doanh nghiệp Đạm Cà Mau đã vượt kế hoạch xuất khẩu cả cả năm chỉ sau 8 tháng.

Hiện, Việt Nam chưa có quy định nào về cấm, hạn chế xuất khẩu phân bón. Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan sẽ theo dõi tình hình thị trường, trường hợp giá phân bón tăng quá cao, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước thì sẽ có các khuyến nghị với doanh nghiệp ưu tiên nguồn cung cho thị trường trong nước.

Phạm Mơ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.