|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá urê Việt Nam đã bắt kịp đà tăng mạnh của thị trường quốc tế

11:29 | 14/09/2023
Chia sẻ
SSI cho biết tính từ tháng 8, giá urê Trung Quốc tăng 11%, trong khi giá phân bón này tại Việt Nam cũng tăng 20%, điều này cho thấy giá urê Việt Nam đã bắt kịp đà tăng mạnh thị trường quốc tế.

Trong báo cáo ngành phân bón, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê trong bối cảnh nhu cầu từ Ấn Độ tăng cao sẽ hỗ trợ giá mặt hàng này trong thời gian tới.

Cụ thể, hiện Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng lúa để giải quyết tình trạng thiếu gạo do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Giá gạo hiện đã tăng 34% so với đầu năm do nguồn cung giảm bởi tác động của hiện tượng El Nino.

Ngoài gạo, nguồn cung đường cũng bị ảnh hưởng, Ấn Độ phải tăng cường diện tích trồng trọt. Vì vậy, quốc gia tỷ dân này sẽ cần thêm urê để tăng diện tích trồng lúa và mía trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng.

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy Ấn Độ chiếm 17% tổng sản lượng urê nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023. Do đó, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê sẽ hỗ trợ giá phục hồi đối với các doanh nghiệp sản xuất loại phân bón này trên toàn cầu  ngoài Trung Quốc trong thời gian tới.

Trên thị trường quốc tế, giá xuất khẩu urê tại Ai Cập và Trung Đông tăng 46% so với mức đáy vào tháng 6 và tháng 7, trong khi giá urê tại Biển Đen tăng 31%, giá urê tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn, tăng lần lượt 27% và 18%.

Cùng với đà phục hồi của mảng urê của Trung Quốc và Indonesia, giá phân bón này tại Việt Nam cũng đã tăng 25% so với mức đáy.

SSI cho biết tính từ tháng 8, giá urê tại Ai Cập và Trung Đông có vài nhịp điều chỉnh, có khi giảm tới 7% nhưng cũng có lúc tăng lên 3%. Còn giá urê Trung Quốc tăng 11%, trong khi giá urê tại Việt Nam cũng tăng 20%, điều này cho thấy giá phân bón này của Việt Nam đã bắt kịp đà tăng mạnh của thị trường quốc tế. 

 (Nguồn: SSI)

Cũng bàn về ngành phân bón, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra những tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành trong nửa cuối năm.

Báo cáo cho biết cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá ure. Ngoài ra, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón.

Mặt khác, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Điều này có thể khiến các quốc gia tăng sản lượng gieo trồng và tăng tiêu thụ phân bón.

Giá urê thế giới có thể tăng trong nửa cuối năm 2023 và thị trường nội địa của Việt Nam cũng diễn biến cùng pha.

Tại Việt Nam, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm 5-12%, chủ yếu phục vụ cho vụ mùa Đông-Xuân.

Do đó, VDSC kỳ vọng các công ty sản xuất ure hàng đầu như Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau có thể tận dụng cơ hội này để tăng sản lượng kinh doanh. Đối với phân bón Bình Điền, VDSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nửa cuối năm 2023 có thể tăng 43% so với cùng kỳ 2022 do mức nền thấp.

Hoàng Anh