Giá phân bón xuất khẩu khó trở về đỉnh cũ năm 2022
Giá phân bón xuất khẩu khó cao như mặt bằng năm 2022
Sau khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, giá phân bón thế giới nửa đầu năm 2023 liên tục tăng lên cao và thiết lập các kỷ lục mới. Trái với sự thăng hoa này, thị trường phân bón bước sang quý III có phần trầm lắng và ảm đạm hơn.
Số liệu khảo sát trên Investing, tính đến ngày 24/8, giá ure dạng hạt FOB Trung Đông đạt 398 USD/tấn, giảm 57% so với mức cao nhất 929 USD/tấn vào tháng 11/2021. Mức giá này cũng đang tiệm cận với mặt bằng trước năm 2021.
Báo cáo triển vọng ngành của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết nguồn cung phân bón thế giới năm 2023 dồi dào nhờ việc Trung Quốc và Nga dỡ bỏ/gia tăng hạn ngạch xuất khẩu phân bón trong 2023. Cùng với đó, một số nhà máy mới ở Ấn Độ, Nigeria, Brunei, Nga và Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023 có thể bổ sung thêm nguồn hàng vào thị trường.
Đối với thị trường Việt Nam, BVSC đánh giá 2023 sẽ là một năm khó khăn với xuất khẩu phân bón, giá phân bón xuống thấp khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng hàng tồn kho cao.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt gần 942.576 tấn với kim ngạch hơn 391 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 417 USD/tấn.
Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết thị trường phân bón của nội địa đang trong giai đoạn thấp điểm, do vậy các doanh nghiệp ure cũng đang tìm cách gia tăng xuất khẩu.
“Giá phân bón nói chung, ure nói riêng xuất khẩu giảm xuống chủ yếu do nguồn hàng từ Trung Quốc – cường quốc sản xuất phân bón bung ra sau giai đoạn đóng cửa bởi dịch COVID-19 cùng với các lệnh hạn chế xuất khẩu”, ông Phùng Hà nói.
Phó Chủ tịch FAV cho rằng giá phân bón xuất khẩu giai đoạn 5 tháng cuối năm 2023 có thể tăng nhẹ, tuy nhiên không thể cao như năm 2022, trừ khi xảy ra những tình huống bất ngờ như xung đột chính trị.
Cũng đưa ra nhận định kém khả quan về xuất khẩu phân bón, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng tiềm năng xuất khẩu ure của các nước sản xuất ure, trong đó có Việt Nam có thể giảm sút do giá nguyên liệu khí đốt tự nhiên giảm và các nước châu Âu cũng đã tìm được sản phẩm thay thế dầu/khí của Nga. Mối lo ngại về tình trạng thiếu ure giảm bớt, do đó châu Âu có thể không cần nhập khẩu nhiều như trước.
Mặt khác, ure Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá nên việc Trung Quốc khôi phục xuất khẩu mặt hàng này càng gây khó khăn hơn cho các công ty sản xuất ure của Việt Nam trong việc xuất khẩu.
Tại thị trường trong nước, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) cho biết hiện ở trong nước, nguồn cung ure đang dư thừa. Riêng nguồn cung phân bón cho vụ Đông Xuân 2022 - 2023 từ công suất sản xuất phân đạm urê của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn/năm.
Giá phân bón có thể đã đạt mức thấp và khó giảm sâu hơn nữa. Do vậy công ty kỳ vọng giá ure sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023.
“Tình hình thời tiết trong năm 2023 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, giá phân bón giảm cũng giúp làm tăng sức mua của người nông dân. Nhu cầu tiêu thụ phân bón được dự báo gia tăng trở lại trong quý II để phục vụ cho vụ Hè Thu” báo cáo của Đạm Cà Mau nêu.
Lợi nhuận doanh nghiệp ure hụt hơi
Tiêu thụ phân bón cả trong nước và xuất khẩu đều trầm lắng, giá cũng suy yếu đã kéo doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp lao dốc so với cùng kỳ năm 2022. Điểm qua một số doanh nghiệp có thế mạnh trong mảng ure cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Ví dụ như CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, Mã: DCM) doanh thu thuần trong quý II đạt 3.291 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái do bình quân giá bán ure giảm hơn 40%.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng hơn 6% kéo biên lãi gộp giảm từ 33% trong quý II/2022 xuống 11,2% quý này. Kết thúc quý II, Đạm Cà Mau ghi nhận lãi sau thuế 290 tỷ đồng, giảm 71%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 6.026 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 520 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và giảm 80%. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành được 45% kế hoạch doanh thu và 38% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tương tự, Tổng Công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, Mã: DPM) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 3.707 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và 92% so với thực hiện năm trước.
Doanh thu giảm và giá vốn hàng bán tăng là nguyên nhân chính khiến kết quả của công ty đi xuống trong quý vừa qua. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tụt sâu, từ mức 38,5% trong quý II/2022 xuống còn 10% trong quý này.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ đạt lần lượt 6.971 tỷ đồng và 368 tỷ đồng, giảm 36% và 89% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, Đạm Phú Mỹ mới hoàn thành được 40% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận.
Hai doanh nghiệp phân bón đầu ngành đã ghi nhận lợi nhuận sụt giảm đến 80-90% thì một doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, Mã: DHB) thậm chí ghi nhận lỗ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của doanh nghiệp cho thấy doanh thu thuần của Đạm Hà Bắc chỉ đạt 901 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022. Do kinh doanh dưới giá vốn, biên lợi nhuận gộp rơi xuống mức âm 13,2%, điều này khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế 350 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 478 tỷ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Đạm Hà Bắc đạt 2.086 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Công ty lỗ sau thuế 479 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi đậm 1.346 tỷ.
Trong năm 2023, Đạm Hà Bắc đã đặt chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế với lần lượt 4.615 tỷ đồng và gần 932 tỷ đồng. Như vậy kết thúc nửa đầu năm 2023, Đạm Hà Bắc đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu.
Trong văn bản giải trình, Đạm Hà Bắc cho biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá ure và NH3 trong nước giảm mạnh theo thị trường thế giới, đồng thời phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước và hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, nguồn than trong nước luôn trong tình trạng thiếu hụt, giá than đã tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó, chi phí lãi vay đã giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn do các cơ chế tháo gỡ khó khăn chưa được giải quyết.