|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá giảm mạnh, doanh nghiệp phân bón tìm hướng mở rộng xuất khẩu

21:30 | 29/06/2023
Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu phân bón sụt giảm cả về lượng và giá do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những chuyến xe vận chuyển các sản phẩm phân bón lân vi sinh của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. (Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu phân bón sụt giảm cả về lượng và giá do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Fertecon và Argus, trong 6 tháng qua, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới tăng trở lại dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu và giá giảm mạnh.

Đặc biệt, với lợi thế về giá thành sản xuất, giá phân bón sản xuất tại Trung Quốc và Trung Đông đang tác động mạnh đến giá phân bón thế giới. Tại Trung Quốc, thị trường nội địa suy giảm khiến giá xuất khẩu phân bón, nhất là phân đạm ure trong tháng 6 cũng suy yếu hơn.

Giá  phân đạm ure hạt tuần thứ ba của tháng 6 ở mức 280-290 USD/tấn Fob trong khi giá tuần trước đó là 280-310 USD/tấn Fob. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ phân bón lớn như: Ấn Độ đang suy yếu với chính sách giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và hiện tượng thời tiết El Nino ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ phân bón.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá các loại phân bón trong 6 tháng đầu năm hầu hết giảm mạnh, nhất là phân đạm ure là do giá nguyên liệu đầu vào (khí, than) cho sản xuất phân bón giảm. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón từ tháng 5/2023 khiến nhiều doanh nghiệp phân bón đẩy mạnh xuất khẩu, giảm tồn kho.

Động thái này đã khiến nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới dồi dào, gây áp lực giảm giá để thúc đẩy tiêu thụ. Theo đó, giá cả các loại phân bón đều quay đầu giảm nhanh chóng (giảm 60- 65% so với đầu năm 2022) và có xu hướng ổn định ở mức thấp như hiện tại. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng sụt giảm do không phải cao điểm mùa vụ cũng là nguyên nhân khiến giá phân bón giảm.

Theo ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc CTCP Phân bón Bình Điền, hiện nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc sang Campuchia đầu tư và bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra sản xuất nông sản. Đây là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất phân bón Việt Nam ở thị trường xuất khẩu truyền thống này.

Để ứng phó với các thách thức này, bên cạnh thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia và Lào, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã tìm hướng mở rộng xuất khẩu sang thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Brazil, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và châu Âu.

 Trong kho sản phẩm phân đạm ure của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. (Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN).

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp trong mở rộng thị trường, Hiệp hội Phân bón Việt Nam mới đây đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phân bón đẩy mạnh xuất khẩu phân bón thông qua chính sách thuế.

Cụ thể, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị áp dụng thuế suất xuất khẩu supe lân là 0% như trước đây thay vì mức 5% như quy định của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tổng công suất sản xuất phân bón supe lân của các nhà máy tại Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn/năm trong khi lượng phân bón supe lân trực tiếp tiêu thụ trong nước theo số liệu thống kê của ngành hàng phân bón và Tổng cục Thuế chưa tới 500.000 tấn/năm.

Mặt khác, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng supe lân xuất khẩu của Việt Nam rất nhỏ (năm 2022 chưa tới 100.000 tấn/năm). Do đó, với việc năng lực sản xuất so với nhu cầu phân bón supe lân trong nước đang dư thừa, việc xuất khẩu phân bón supe lân cần được khuyến khích để tăng giá trị sản phẩm quốc dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu được ngoại tệ cho quốc gia, đóng thuế cho địa phương.

Ngoài ra, việc cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm lẫn giá rẻ của Trung Quốc khiến sản phẩm supe lân của Việt Nam kém lợi thế khi xuất khẩu so với các quốc gia khác như: Trung Quốc, Ma Rốc, Ấn Độ ...nếu bị áp thuế suất xuất khẩu lên 5%.

Đối phân đạm ure, do đây là chủng loại phân bón trong nước sản xuất dư thừa (công suất 2.5 triệu tấn, nhu cầu dưới 1,8 triệu tấn) nên các doanh nghiệp sản xuất phải xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả.

Vì vậy, nếu áp thuế xuất khẩu sẽ mất đi cơ hội kinh doanh và làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất ure. Mặt khác, việc Brunei gia nhập thị trường phân bón với nguồn cung 1,8 triệu tấn ure/năm và thị trường mục tiêu là các nước Đông Nam Á; trong đó, có Việt Nam, áp lực cạnh tranh ngày càng trở lên gay gắt. Vì vậy, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị áp dụng thuế xuất khẩu 0% đối với mặt hàng phân bón ure.

Ngoài ra, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đề nghị áp thuế suất xuất khẩu 0% với phân bón kali sulphate (K2SO4, tên thương mại SOP) để hỗ trợ doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả do nhu cầu với loại phân bón này ở trong nước hiện chỉ bằng 60% công suất sản xuất của doanh nghiệp.

Anh Nguyễn