Đạm Phú Mỹ: Giá xuất khẩu phân bón nửa đầu năm giảm sâu, cần 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư 5 năm tới
Sáng 27/6, Tổng Công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với 173 cổ đông tham dự, đại diện cho 74,28% số lượng cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Nguồn cung phân bón sẽ tiếp tục vượt cầu
Năm nay, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, 2.250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 7%, 60% so với mức nền cao kỷ lục năm 2022. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến là 40%.
Đối với 2022, công ty dự kiến chia bằng tiền tỷ lệ 70% (7.000 đồng/cp). Trước đó, DPM đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40%. Dự kiến, DPM phải chi ra 1.173 tỷ đồng để trả phần cổ tức còn lại.
Ban lãnh đạo DPM nhận định năm 2023 sẽ là một năm khó khăn, thử thách với công ty khi các yếu tố về thị trường phân bón, giá khí có thể diễn ra không suôn sẻ. Đặc biệt, nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn và các nguồn khí rẻ sụt giảm sản lượng. Vì thế, một trong những mục tiêu trọng điểm của công ty trong năm nay là tìm kiếm được nguồn khí ổn định (giá bán, sản lượng) dài hạn để phục vụ cho hoạt động sản xuất đạm.
Tại đại hội, bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng kế hoạch của DPM cho biết, giá khí huy động 6 tháng đầu năm là 9,03 USD/triệu mmBTU được lấy từ bể Cửu Long, tăng so với kế hoạch 6 tháng (8,13 USD/triệu mmBTU).
Trong tương lai, nguồn khí tại đây sẽ giảm. Nguồn khí tại bể Nam Côn Sơn cũng đang trong xu hướng đi xuống. Việc lấy nguồn khí từ đâu trong giai đoạn tới sẽ cần lấy ý kiến thêm.
Đối với giá ure, ông Cao Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc nhìn lại năm 2022, do nguồn cung bị đứt gãy, khiến giá tăng ure tăng đột biến. Năm 2023 thì ngược lại, nguồn cung từ Trung Quốc, Nga đã trở lại khiến cung vượt cầu. Nhu cầu năm nay tuy đã cải thiện so với 2022 nhưng vẫn chưa thể bằng với 2021.
Hiện tại, giá FOB trung bình khoảng 240 – 250 USD/tấn, giá quy đổi ra đồng Việt Nam là dưới 8.000 đồng/kg. So với thời kỳ cao điểm năm ngoái, mức giá này chỉ bằng 1/4. Các chuyên gia dự báo giá sẽ giảm xuống 230 USD. Tuy nhiên, DPM dự báo giá sẽ đi ngang và hồi phục trong nửa cuối năm. Năm 2024 dự báo cung vượt cầu, nên giá khó có thể tăng đột biến, trừ trường hợp nào khác đặc biệt như chính trị,...
Cập nhật tình hình 6 tháng đầu năm, lãnh đạo DPM cho biết tiêu thụ hai quý vừa qua đạt 100% kế hoạch 6 tháng với 693.000 tấn các loại, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ nội địa tăng lên trong khi xuất khẩu giảm do kênh thị trường lớn nhất là Ấn Độ giảm mua vào rất nhiều.
Giá xuất khẩu phân bón nửa đầu năm giảm còn 8.000 đồng/kg, trong khi kế hoạch 6 tháng là 13.400 đồng/kg. So với cùng kỳ, kết quả trên giảm 58% so với mức giá bán 19.400 đồng/kg.
Thành viên ban chủ tọa cho biết giá phân bón 6 tháng cuối năm khoảng 260 USD/tấn, giảm rất sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Trung quốc đang dư thừa 7 - 10 triệu tấn ure. Trong khi đó, giá khí xuất các nước Trung Đông rất rẻ, còn Brunei có giá khí chưa đến 4 USD. Điều này khiến giá thành sản xuất của các nước bạn rất thấp, cạnh tranh với DPM.
Từ nay đến cuối năm, ban lãnh đạo DPM dự báo giá ure khoảng 8.700 đồng - 9.200 đồng/kg, còn NH3 khoảng 10.000 - 10.500 đồng/kg.
Cần nguồn vốn 7.000 tỷ đồng đầu tư các dự án
Về hoạt động đầu tư, năm nay, DPM dự kiến chi ra 492 tỷ, trong đó 282 tỷ đồng dùng để mua sắm tài sản, trang thiết bị và 209 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về kế hoạch đầu tư 5 năm tới, đại diện ban chủ tọa trả lời ước tính lượng vốn DPM cần khoảng 7.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án. Công ty sẽ cân đối từ vốn từ có và vốn vay.
Cụ thể, với dự án FS H2O2 dự kiến có công suất là 40.000 tấn, tổng vốn đầu tư cần là 800 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho rằng đây là dự án tiềm năng khi khai thác lợi thế sẵn có của nhà máy Đạm Phú Mỹ là nguồn hydro.
Dựa trên nguồn khí CO2 và amoniac sẵn có, DPM cũng đang dự kiến thực hiện dự án với công suất sơ bộ 200.000 tấn/năm. Công ty dự định nghiên cứu trong năm nay, nếu được thì 2024 - 2026 sẽ triển khai thực hiện và bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối 2026.
Dự án nhựa melamin dự kiến có quy mô đầu tư 33 tỷ đồng, sản xuất từ dung dịch ure, cũng dựa trên chuỗi công nghệ sẵn có của nhà máy.
Vị lãnh đạo đánh giá nhu cầu các sản phẩm trên trong nước khá tốt, riêng melamin công ty đang tìm kiếm các thị trường nước ngoài để giải tỏa công suất tiêu thụ.
Ngoài ra, DPM còn dự định làm dự án thu gom khí để sản xuất ra khí hydro, heli từ nguồn sẵn có trong phân xưởng amoniac. Sản phẩm cho ra để phục vụ sản xuất oxy già.
Về chủ trương tăng vốn, hình thức tăng vốn có thể sẽ là cổ phiếu thưởng. Sau khi được cổ đông chấp thuận, phương án sẽ được tiến hành tiếp theo các cơ quan thẩm quyền liên quan.
Nếu được phê chuẩn, trong 2023, công ty dự kiến tăng vốn thêm 40% lên 5.479 tỷ đồng. Năm 2024 dự kiến tăng tiếp 15% lên 6.301. Năm 2025 - 2026 DPM có kế hoạch tăng thêm 15% lên khoảng 7.200 tỷ đồng.