'Doanh nghiệp phân bón không mặn mà xuất khẩu, động lực tăng trưởng vẫn chưa rõ ràng'
Trong báo cáo mới đây về ngành phân bón, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc chính quyền Trung Quốc yêu cầu một số nhà sản xuất ure tạm dừng xuất khẩu sản phẩm trong tháng 9 sẽ làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung tại quốc gia này.
Nguồn cung ure ở Trung Quốc có nguy cơ thiếu hụt
Sau khi Trung Quốc chốt thành công 1,1 triệu tấn ure xuất khẩu sang Ấn Độ (trên tổng số 1,76 triệu tấn) với mức giá trung bình 400 USD/tấn (thời gian vận chuyển đến hết 26/9), một số công ty xuất khẩu ure như Sini-Agri và Tập đoàn Zongnong thông báo tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới trong tháng 9. Với động thái trên, Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng thiếu than nhiệt và dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy sản xuất ure (như cuối năm 2021).
Theo đơn vị phân tích, những lo ngại trên xuất phát từ những lý do như: Giá ure nội địa tại Trung Quốc hiện đang giao dịch tại mức 2.650 nhân dân tệ/tấn, tương đương 362 USD/tấn, thấp hơn 14% so với giá xuất khẩu là 420 USD/tấn. Mức chênh lệch giá này có thể khuyến khích các nhà sản xuất ure đẩy mạnh xuất khẩu và gây thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Bên cạnh đó, ure nội địa Trung Quốc tăng liên tục. Từ tháng 7 đến hiện tại, giá đã tăng 15%, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, yêu cầu hoãn xuất khẩu ure từ Chính phủ Trung Quốc nhằm giúp ổn định nguồn cung trong nước và giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho nông dân.
Theo quan sát của VDSC, giá than nhiệt Trung Quốc có độ tương quan cao đối với giá dầu thế giới. Do đó theo xu hướng giá dầu hiện nay, than nhiệt Trung Quốc có thể tăng trong thời gian sắp đến.
Bloomberg dự báo nếu giá than nhiệt tại Trung Quốc vượt 1.100 nhân dân tệ/tấn, các nhà máy điện than tại Trung Quốc sẽ ghi nhận lỗ, dẫn đến việc đóng cửa nhà máy và hệ lụy thiếu điện. Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng diễn ra gần nhất trong năm 2021, cũng đến từ việc giá than tăng cao, đồng thời khiến các nhà máy sản xuất phân bón đóng cửa. Giá dầu Brent và than nhiệt Trung Quốc hiện tại tăng lần lượt 6%, 3% so với tháng 8. Kết quả là, một số nhà sản xuất phân bón tại miền Bắc nước này tăng lượng hàng tồn kho.
Ngoài ra, hai mỏ than tại phía Bắc tỉnh Thiểm Tây (tỉnh có trữ lượng than lớn nhất tại Trung Quốc) bị buộc phải đóng cửa vào đầu tháng 9 do không tuân thủ các quy tắc an toàn lao động. Khoảng 12 mỏ khác cũng bị buộc đóng cửa vài tuần trước sau một vụ tai nạn nghiêm trọng. Công suất trung bình của hai mỏ kể trên khoảng 1,1 triệu tấn/năm. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về an toàn lao động trong ngành khai thác than tại Trung Quốc, vốn là một trong những yếu tố dẫn đến việc các mỏ than ngừng hoạt động vào cuối năm 2021.
Song, trước thông tin một số nhà xuất khẩu ở Trung Quốc hạn chế xuất khẩu ure, giá ure thế giới vẫn chưa ghi nhận bất kỳ biến động đáng chú ý vào hồi đầu tháng 9. Cụ thể, ure Biển Đen và Trung Đông giảm lần lượt 11%, 1% so với tháng 8, trong khi giá ure xuất khẩu Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 3% so với tháng trước.
Giá ure thế giới vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trong ngắn hạn, nhờ lực cầu từ Ấn Độ và Brazil. Argus ước tính Ấn Độ và Brazil cần nhập khẩu thêm lần lượt 2,14 triệu tấn, 3,5 triệu tấn ure trong 4 tháng còn lại của năm. Trong trường hợp lý tưởng nhất, giá ure thế giới được kỳ vọng có thể tăng thêm 12% - 31% trong giai đoạn từ tháng 9 đến cuối năm.
Ngành phân bón Việt Nam có được hưởng lợi?
Theo VDSC, với sự chênh lệch giữa giá ure nội địa và thế giới, các doanh nghiệp trong nước sẽ không mặn mà với việc xuất khẩu, ít nhất là trong quý III/2023. Vì giá ure nội địa khoảng 10,5 triệu đồng/tấn, tương đương 443 USD/tấn, cao hơn mức giá trung bình thế giới là 400 USD/tấn.
Hơn nữa, đơn vị phân tích cho rằng, khủng hoảng nguồn cung toàn cầu (như trong giai đoạn cuối 2021 – đầu năm 2022) sẽ khó mà lặp lại lần nữa, vì hiện tại chưa có một tín hiệu rõ ràng nào cho thấy Trung Quốc và Nga sẽ dừng hoàn toàn việc xuất khẩu ure từ nay cho đến cuối năm. VDSC kỳ vọng giá ure nội địa trong nửa cuối năm có thể tăng 12% so với đầu năm.
Hiện tại, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam khoảng 596 USD/tấn, tăng 43% so với cùng kỳ và tăng 10% so với tháng 8, nhờ đó khuyến khích nông dân tăng diện tích gieo trồng lúa. Thông thường quý III là mùa tiêu thụ phân bón thấp điểm, tuy nhiên nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện rất tích cực gieo trồng vụ 3 (vụ Thu Đông), điều này có thể giúp tăng sản lượng kinh doanh phân bón.
Về triển vọng quý III/2023, VDSC dự báo giá bán ure trung bình của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) sẽ tăng 10% so với quý trước, theo đà tăng của giá ure thế giới. Vì thế, công ty có thể ghi nhận 3.855 tỷ đồng doanh thu tăng 4% so với quý trước, giảm 1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế có thể cải thiện đến 350 tỷ đồng tăng 233% so với quý trước, giảm 65% so với cùng kỳ nhờ chi phí vận chuyển khí giảm. Còn lợi sau thuế quý IV ước tính đạt 413 tỷ đồng tăng 18% với quý trước và giảm 63% so với cùng kỳ.
Đối với CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM), đơn vị phân tích dự báo sản lượng tiêu thụ ure trong quý III có thể sụt giảm, mặc dù giá bán trung bình tăng 10% so với quý trước theo đà tăng của giá ure thế giới do đợt bảo dưỡng diễn ra trong tháng 8. Song, kể từ quý IV, nhà máy ure sẽ hết khấu hao, lợi nhuận sau thuế có thể được tăng thêm 300 tỷ đồng mỗi quý.
Trong nửa cuối năm 2023, Đạm Cà Mau kỳ vọng có thể tăng tỷ trọng khí mua từ các bể trong nước và giảm tỷ trọng khí giá cao nhập khẩu từ Malaysia (theo sự điều phối của PVN), điều này có thể giúp biên lợi nhuận gộp được cải thiện.
VDSC dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2023 Đạm Cà Mau có thể đạt 1.200 – 1.500 tỷ đồng, và EPS đạt 2.200 – 2.800 đồng. Trong năm 2024, nhờ nhà máy ure đã khấu hao hết, lợi nhuận sau thuế có thể tăng tối đa thêm 900 tỷ đồng.
Về CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC), đơn vị phân tích nhận định giá bán NPK duy trì ở mức vừa phải, sản lượng tiêu thụ có thể tăng 10% so với quý trước và 27% so với cùng kỳ. Giá bán trong quý III có thể đi ngang so với quý trước, khoảng 13.300 đồng/kg (giảm 19% so với cùng kỳ).
Theo VDSC, trong quý III, doanh thu BFC có thể đạt 2.355 tỷ đồng tăng 1% so với quý trước, tăng 3% so với cùng kỳ. Với biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 11% và chi phí lãi vay giảm, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ khoảng 56 tỷ đồng, tăng 6% so với quý trước, tăng 826% so với cùng kỳ.