Sản lượng thép xây dựng tháng 8 của Hoà Phát cao nhất từ đầu năm
Tháng 8/2023, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sản xuất 686.000 tấn thép thô, tăng 8% so với tháng trước và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 558.000 tấn, tương đương tháng 7. Trong đó, thép xây dựng Hòa Phát ghi nhận 306.000 tấn, cao nhất từ đầu năm và tăng 18% so với tháng trước.
Trong tháng vừa qua, thép xây dựng đạt cao một phần nhờ sản lượng xuất khẩu với 98.000 tấn, gấp 3,5 lần tháng 7/2023 và cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.
Thép HRC của Hòa Phát vẫn ghi nhận mức sản lượng bán hàng 241.000 tấn tháng 8, giảm 17% so với tháng trước. Tính riêng thị trường trong nước, tiêu thụ HRC của tập đoàn tăng 16% so với tháng 7.
Ngoài ra, tập đoàn còn cung cấp 40.000 tấn ống thép và gần 12.000 tấn tôn mạ các loại trong tháng 8, giảm lần lượt 45% và 63% so với tháng trước đó.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 4,18 triệu tấn thép thô, giảm 25% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 4 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ.
Trong đó, thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo (rút dây, làm đinh ốc vít, tanh lốp ô tô, thép dự ứng lực,…) đạt 2,2 triệu tấn, giảm 29% so với 8 tháng đầu năm 2022. Qua 8 tháng, thép cuộn cán nóng của Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường hơn 1,7 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 439.000 tấn và 219.000 tấn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, Hòa Phát có công suất 8,5 triệu tấn thép thô, lớn nhất Đông Nam Á. Tập đoàn đang triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tính đến đầu tháng 9/2023, dự án đã triển khai được 35% tiến độ khối lượng công việc.
Biên lợi nhuận có thể phục hồi nửa cuối năm
Thông tin từ hội thảo "Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam" do GS & SSI tổ chức, SSI Research nhận định biên lợi nhuận của Hoà Phát dự kiến phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Các lò cao của tập đoàn đang hoạt động với công suất cao để chuẩn bị hàng dự trữ cho việc bảo dưỡng lò số 3 tại Hải Dương trong 3 tháng kể từ tháng 9. Dự án Dung Quất giai đoạn 2 gồm 2 lò cao với công suất gần 3 triệu tấn/lò/năm dự kiến sẽ từng bước đi vào hoạt động lần lượt từ năm 2025 và 2026. Dự án sẽ đạt công suất tối đa sau 3-4 năm.
Đánh giá về nhu cầu trong nước, SSI Research nhận định hiện nay vẫn còn yếu và có thể cải thiện trong quý IV/2023 hoặc năm 2024 nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản.
So với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Hoà Phát sẽ có giá điện và chi phí nhân công tốt hơn, trong khi Trung Quốc có giá than thấp hơn. Một số nhà sản xuất trong nước (bao gồm cả nhà máy của HPG ở miền Bắc) sử dụng HRC từ Trung Quốc do chi phí vận chuyển từ Trung Quốc sang miền Bắc thấp hơn so với chi phí vận chuyển từ các nguồn nội địa (nằm ở miền Trung).
Về xuất khẩu, tập đoàn đã xuất khẩu sang khoảng 30 thị trường trong đó thị trường trọng điểm là châu Á, châu Âu và Mỹ. Công ty có lợi thế trong việc xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ áp thuế cao đối với sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Các chuyên gia phân tích dự báo biên lợi nhuận từ xuất khẩu có thể cao hơn hoặc thấp hơn kênh nội địa tùy theo từng thị trường xuất khẩu, do ở một số thị trường Hoà Phát phải giảm giá để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ.