|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung thắt chặt, giá phân bón năm 2024 có thể tăng nhẹ

09:07 | 09/01/2024
Chia sẻ
Những động thái hạn chế nguồn cung từ hai cường quốc xuất khẩu phân bón Trung Quốc và Nga có thể khiến giá mặt hàng này trong năm 2024 tăng nhẹ so với năm trước.

Trong báo cáo triển vọng 2024, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá phân bón thế giới năm 2024 được kỳ vọng tăng nhẹ so với năm 2023 do nguồn cung thắt chặt.

Cụ thể, Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước, cùng với đó Nga cũng gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5 để bảo vệ thị trường nội địa.

Trong khi đó, sản xuất ure ở EU dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp do giá thành sản xuất urê ở khu vực này vẫn cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu urê từ Ai Cập.

Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.

Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2024 được dự báo tăng chậm so với năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ nội địa kỳ vọng tăng vào quý IV/2023 và quý I/2024 khi bước vào vụ Đông Xuân, song vụ mùa năm nay đến trễ, bắt đầu cuối tháng 11.

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Thế giới, tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ phân bón trên thế giới sẽ chậm lại trong trung hạn, từ mức 4% trong năm tài chính 2023 xuống 1,3% trong năm tài chính 2027.

VCBS cho rằng giá khí đầu vào là biến số khó dự báo khi giá dầu biến động và tỷ trọng phân bổ các nguồn khí tác động lớn đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Đối với Đạm Cà Mau, tỷ lệ khí mua ngoài từ Petronas trong năm 2024 dự báo giảm so với năm 2023 do thời tiết sẽ thuận lợi hơn để giảm huy động điện khí kể từ nửa đầu năm 2024.

Đối với Đạm Phú Mỹ, nguồn khí đầu vào tuy vẫn được đảm bảo cung ứng đầy đủ nhưng tỷ trọng nguồn khí đồng hành có giá thấp (mỏ Bạch Hổ - Rồng Đồi Mồi, thuộc Bể Cửu Long) đạt công suất thấp hơn kế hoạch và đang suy giảm nhanh hơn dự báo.

Trong khi, tỷ trọng khí cấp bù từ nguồn khác (Nam Côn Sơn và Cửu Long) tăng lên và có mức phí vận chuyển cao, khiến giá thành khí gia tăng.

Hoàng Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.