|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo xuất khẩu neo cao có thể kích thích nhu cầu tiêu thụ urê trong nước

21:14 | 12/11/2023
Chia sẻ
Theo BSC, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu urê vào đầu năm, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này và dẫn đến lượng tồn kho giảm về mức thấp kỷ lục.

Trong báo cáo triển vọng hàng hóa quý IV, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo giá urê sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ các yếu tố hỗ trợ như nguồn cung từ Trung Quốc giảm, trong khi Ấn Độ tăng mua vào. Bên cạnh đó, việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao, giá phân bón đã về mặt bằng thấp được cho là những yếu tố kích thích nhu cầu tiêu thụ urê tại thị trường trong nước.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật ngày 9/11, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được xuất khẩu với giá 653 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 92 USD/tấn và 90 USD/tấn.

Tương tự, Việt Nam cũng đang dẫn đầu về giá bán gạo 25% tấm với 643 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 118 USD/tấn và hơn hàng Paskistan 160 USD/tấn.

 

Theo BSC, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu urê vào đầu năm, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này và dẫn đến lượng tồn kho giảm về mức thấp kỷ lục.

Để đảm bảo an ninh phân bón – lương thực, Trung Quốc đã giảm dần xuất khẩu mặt hàng từ tháng 8 và chính thức công bố hạn chế xuất khẩu trong tháng 9.

Các thị trường xuất khẩu urê chính của Trung Quốc bao gồm: Ấn Độ (17%), Hàn Quốc (15%) và Myanmar (10%). Trong đó, Hàn Quốc và Myanmar đồng thời cũng là hai thị trường xuất khẩu phân bón lớn của Việt Nam.

BSC kỳ vọng việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sẽ hỗ trợ đà tăng giá urê thế giới và trong nước. Ngoài ra, Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới trong việc xuất khẩu urê.

7 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ nhập khẩu 3,3 triệu tấn urê, trong đó nguồn cung của Việt Nam khoảng 30.000 tấn, giảm 89% so với cùng kỳ năm 2022 do cường quốc lúa gạo tăng mua hàng Trung Quốc.

BSC kỳ vọng Ấn Độ sẽ tăng nhập khẩu urê trong cuối năm 2023 để hỗ trợ cho sản xuất vụ lúa chính, đồng thời bù đắp lượng tồn kho đang ở mức thấp.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xuất khẩu phân bón trong tháng 10 đạt 106.889 tấn, tương ứng gần 49 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 18% về giá trị so với tháng 9. Như vậy, lượng xuất khẩu phân bón đã tăng trở lại sau khi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,3 triệu tấn với kim ngạch hơn 540 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 44,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

 

Trong tháng 10, giá phân bón xuất khẩu đạt 456 USD/tấn, tăng nhẹ so với tháng 9, song vẫn giảm 23% so với tháng 9/2022. Bình quân 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu phân bón đã giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 420 USD/tấn.

Hoàng Anh