|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quản lý rủi ro tài chính cá nhân bằng 4 cách đơn giản

13:30 | 18/12/2022
Chia sẻ
Quản lý rủi ro trong tài chính cá nhân thường là vấn đề hay bị “lờ” đi, tuy nhiên, nếu muốn có tài chính dư dả và nghỉ hưu sớm như một triệu phú thì vẫn có những việc bạn bắt buộc phải chuẩn bị từ bây giờ.

Sau khi dành phần lớn tuổi 20 với tình trạng kinh tế “rối tung”, Jen Glantz – chuyên gia tài chính cá nhân hiện tại cho biết cô đã phải nỗ lực rất nhiều để sửa chữa những sai lầm và quản lý rủi ro tài chính vào những năm đầu 30. Cô đã bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu, bỏ tiền mặt vào quỹ khẩn cấp, đầu tư vào quỹ chỉ số (của chính phủ Mỹ) và tuân thủ các kế hoạch ngân sách nghiêm ngặt, theo Business Insider.

Jen Glantz cũng thấy mình bị ám ảnh bởi việc cố gắng nghỉ hưu trước 50 tuổi và trở thành một triệu phú triệu USD. Vì cô chỉ còn chưa đầy 16 năm nữa là đến thời điểm đó và giá trị tài sản ròng của cô không ở mức gần 7 con số (USD), nên hiện tại cô đang tích cực làm hầu hết những gì có thể để biến mục tiêu đó thành hiện thực.

Mặc dù cô đang đầu tư, tiết kiệm và nỗ lực mang lại những nguồn thu nhập mới để tăng giá trị tài sản ròng của mình nhưng vẫn luôn sợ điều gì đó xảy ra ngoài kế hoạch sẽ đẩy cô đi xa hơn khỏi kế hoạch tổng thể của mình.

Để đảm bảo, Jen Glantz đang cố gắng quản lý rủi ro tài chính nhiều nhất có thể. Dưới đây là những điều mà các nhà hoạch định tài chính cho rằng cô cần cân nhắc nếu muốn nghỉ hưu sớm với tư cách triệu phú triệu USD.

Biết quản lý rủi ro tài chính cá nhân là cách để bạn bảo vệ tiền bạc của mình. (Nguồn: Edward Jones) 

Tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đầu tư vào các quỹ, cổ phiếu riêng lẻ và tiền điện tử chỉ là điều Jen Glantz bắt đầu làm cách đây vài năm. Khi cô tiếp tục phát triển danh mục đầu tư của mình, nhà lập kế hoạch tài chính Evon Mendrin nói rằng cô nên đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình hơn nữa để quản lý rủi ro.

Cụ thể, chuyên gia tài chính Mendrin nói: “Sự tập trung thúc đẩy sự giàu có và đa dạng hóa giúp bảo vệ nó. Bạn thường cần tập trung vào sự nghiệp hoặc các khoản đầu tư để xây dựng đủ tài sản để nghỉ hưu sớm – vậy thì hãy dành toàn bộ thời gian để trở thành người giỏi nhất trong một nghề hoặc hưởng lợi từ quyền chọn mua cổ phiếu của công ty".

Mendrin cũng khuyến nghị đầu tư vào hàng nghìn cổ phiếu ở Mỹ và trên toàn thế giới (chẳng hạn như thông qua quỹ chỉ số hoặc quỹ hoán đổi danh mục) thay vì đầu tư vào một số ít công ty. Bên cạnh đó, bạn cũng nên có sự kết hợp phù hợp giữa cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, tiền mặt, và các tài sản khác để tích lũy tài sản khi về hưu.

Giải quyết mọi khoản nợ cũng là cách quản lý rủi ro tài chính cá nhân

Khi làm việc chăm chỉ để tiết kiệm và đầu tư, một điều có thể cản trở kế hoạch nghỉ hưu triệu phú của bạn đó là nợ quá nhiều. Nhà lập kế hoạch tài chính Jay Zigmont nói rằng nếu bạn có thể trả hết nợ (bao gồm cả nợ vay mua nhà) thì việc nghỉ hưu sớm sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều vì bạn có thể đầu tư thêm thu nhập của mình. Không chỉ vậy, không có nợ hoặc chỉ còn nợ lãi suất thấp có nghĩa là bạn đang quản lý rủi ro tài chính cá nhân khá tốt.

Chọn mua loại bảo hiểm phù hợp

Trong quá trình lập kế hoạch cho tương lai, thật dễ dàng quên đi những gì chúng ta cần ngay bây giờ để xử lý bất kỳ trường hợp khẩn cấp tài chính tiềm ẩn nào. Đó là lý do tại sao Zigmont nói rằng điều quan trọng là đảm bảo rằng bạn có bảo hiểm phù hợp. Zigmont nói: “Nhiều người không nghĩ đến bảo hiểm cho đến khi họ cần đến nó, điều này có thể là quá muộn. Đảm bảo rằng bạn có bảo hiểm phù hợp cho ngôi nhà, xe cộ, bảo hiểm sức khỏe”.

Đừng chi tiêu nhiều hơn ngay cả khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn

Khi bạn sắp nghỉ hưu hoặc bạn thấy mình có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhà lập kế hoạch tài chính Charles H. Thomas III nói rằng hãy cẩn thận với lối sống lạm phát, vì đó là rủi ro tài chính có thể khiến kế hoạch của bạn đi chệch hướng.

Thomas nói: “Khi bạn được tăng lương tại nơi làm việc, bạn sẽ muốn tiêu số tiền mới được tăng lên đó để có một lối sống thoải mái hơn. Thay vào đó, hãy nghĩ xem làm thế nào để tiết kiệm hoặc sử dụng một phần tiền lương tăng thêm của bạn để trả một số khoản nợ. Theo thời gian, thói quen sẽ trở nên dễ dàng hơn và bạn vẫn sẽ có một lối sống thoải mái, tiếp tục quản lý tốt rủi ro tài chính".

Thu Phương