|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quan điểm trái chiều của các lãnh đạo Fed về sự bất ổn của kinh tế Mỹ

14:17 | 13/07/2019
Chia sẻ
Trong khi ông Jerome Powell tiếp tục nhận định rủi ro toàn cầu có thể kích hoạt đợt cắt giảm lãi suất của Fed vài tuần tới, đồng nghiệp từ các chi nhánh Fed khác lại vẽ ra một bức tranh lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế và triển vọng kinh doanh tại Mỹ.
jeromepowell_0

Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Marketplace)

Chiến tuyến 1: Chủ tịch Jerome Powell, Thống đốc Fed, Chủ tịch Fed khu vực New York, khu vực St. Louis và khu vực Minneapolis

Theo Reuters, các nhận xét trái chiều cho thấy tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà Fed phải đối mặt trước thềm cuộc họp chính sách cuối tháng này. Trong khi đó, thị trường đang kì vọng về một đợt hạ lãi suất từ ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ.

Một mặt, Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh trong phiên điều trần diễn ra trong hai ngày 10 và 11/7 rằng rủi ro thương mại và kinh tế toàn cầu đã gây khó khăn đến hoạt động đầu tư, lạm phạt thấp hơn mục tiêu 2% của Fed và sự phát triển của nền kinh tế Mỹ cần một bệ đỡ.

Sau đó, Chủ tịch Fed khu vực New York JohnnWilliams và Thống đốc Fed Lael Brainard cũng lặp lại quan điểm này.

Ông Powell từng dẫn chứng một số khảo sát trên toàn quốc nhằm cho thấy niềm tin kinh doanh đã bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây, đặc biệt vào tháng 5 khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Mexico, trừ khi nước này đáp ứng yêu cầu về thỏa thuận nhập cư với Mỹ.

Thuế quan này đã không được áp dụng, tuy nhiên ông Powell cho biết trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện rằng đó là một cú sốc niềm tin.

Tại Albany, vào hôm 11/7, Chủ tịch Fed khu vực New York John Williams đã ủng hộ việc cắt giảm lãi suất, theo đó chỉ ra những bất ổn xung quanh thương mại và tăng trưởng toàn cầu cũng như lạm phát yếu.

Trong một bài phát biểu riêng ở Scranton (Pennsylvia), thành viên ban Thống đốc Fed Lael Brainard cũng nhất trí.

Theo bà Brainard, khi xem xét các rủi ro suy yếu tại thời điểm lạm phát duy trì ở mức thấp, nới lỏng chính sách tiền tệ là điều thuyết phục. Điều này là dựa trên các nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lí rủi ro.

Ít nhất đã có thêm một vài Chủ tịch Fed ở các khu vực ủng hộ việc cắt giảm lãi suất, bao gồm Chủ tịch Fed khu vực St. Louis James Bullard và Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Nell Kashkari.

Vào hôm 11/7, ông Kashkari cho biết ông ủng hộ hạ lãi suất xuống 0,5 điểm phần trăm. Cả hai nhân vật trên đều nhận định việc cắt giảm lãi suất là cần thiết để thúc đẩy mục tiêu lạm phát.

Chiến tuyến 2: Chủ tịch Fed khu vực Atlanta, Chủ tịch Fed khu vực Richmond

Tuy nhiên, khi thăm dò ý kiến của loạt doanh nghiệp tại các khu vực, Chủ tịch Fed khu vực Atlanta Raphael Bostic và Chủ tịch Fed khu vực Richmond Thomas Barkin nhận thấy nền kinh tế Mỹ vẫn phát triển mạnh và không cần Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.

"Tôi không thấy khả năng đám mây thực sự tạo ra một cơn bão", ông Bostic nói. Chủ tịch Fed khu vực Atlanta tự nhận mình là người hoài nghi về sự cần thiết của việc cắt giảm lãi suất vào thời điểm hiện tại.

"Chỉ rất ít trường hợp ngoại lệ, còn đa phần doanh nghiệp cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn hoạt động mạnh mẽ như trước đây. Họ không phát hiện ra dấu hiệu suy yếu trong nhu cầu người tiêu dùng. Cho nên, họ không thay đổi kế hoạch kinh doanh của mình".

"Tôi đã đi công tác trong vài tuần qua và trò chuyện cùng các doanh nhân", ông Barkin cho hay vào hôm 11/7. "Họ chưa rơi vào tình cảnh nao núng. Họ không cắt giảm nhân sự cũng như các khoản đầu tư. Tuy nhiên, họ đang cẩn trọng. Hoạt động kinh doanh không ngừng lại mà chỉ chững lại".

Ngoài ra, các Chủ tịch Fed khu vực khác trong những ngày qua cho biết họ đang vật lộn để điều chỉnh mức lãi suất thấp hơn tại thời điểm tỉ lệ thất nghiệp gần mức thấp kỉ lục là 3,7% và tăng trưởng việc làm tiếp tục tăng.

Ông Bostic cho biết dữ liệu lạm phát thấp gần đây có thể không đáng lo ngại như vẻ ngoài.

Với việc thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng hiện tại duy trì ở mức 1,6% (dưới mục tiêu 2%), một số nhà hoạch định chính sách cho rằng NHTW Mỹ cần phải hành động nhiều hơn nếu không có nguy cơ mất niềm tin của công chúng rằng Fed đang dồn mối quan tâm vào mục tiêu lạm phát.

"Nếu công chúng tin rằng lạm phát liên tục nằm dưới mức mục tiêu 2%, điều đó có nghĩa là Ủy ban Thị trường Mở Liên bang không quyết tâm với mục tiêu đó. Khi đó, vấn đề sẽ phát sinh", ông Bostic nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed khu vực Atlanta cho biết ông dự đoán lạm phát dựa trên khảo sát các nhà dự báo chuyên nghiệp và giám đốc điều hành doanh nghiệp, ông tin rằng lạm phát sẽ trong dự báo.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.