|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Qua thời chật vật vì COVID-19, doanh nghiệp gỗ lên kế hoạch chạy đua phục hồi sản xuất, giữ chân khách hàng

20:38 | 10/10/2021
Chia sẻ
Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp gỗ kỳ vọng sẽ phục hồi được sản xuất, chuỗi cung ứng để đáp ứng các đơn hàng cho mùa tiêu thụ cao điểm.

Doanh nghiệp Mỹ, EU tại Việt Nam chật vật vượt dịch 

Tại hội thảo Kế hoạch phục hồi chuỗi cung ứng gỗ diễn ra tối 8/10, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, cho biết thời gian qua là giai đoạn thách thức đối với doanh nghiệp nói chung và các nhà sản xuất của Mỹ tại Việt Nam.

Theo bà Mary Tarnowka, 60% các nhà sản xuất theo hợp đồng tại Việt Nam là đối tác của Mỹ đã có nhiều đơn hàng bị ảnh hưởng trong quý III do dịch COVID-19. Bà cho rằng các nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ rất khó để phục hồi công suất 100% trong 6 tháng tới.

"Điều này sẽ tác động đối với các nhà mua hàng tại Mỹ, đặc biệt chúng ta cũng phải đối diện với sự gia tăng của giá vận chuyển. Một số đơn vị cũng đã chuyển hoạt động sản xuất, đơn hàng sang Trung Quốc và sẽ rất khó kêu gọi họ trở lại Việt Nam", bà Mary cho hay.

Qua thời chật vật vì COVID-19, doanh nghiệp gỗ lên kế hoạch chạy đua phục hồi sản xuất, giữ chân khách hàng - Ảnh 1.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam chia sẻ tại hội thảo (Ảnh chụp màn hình)

Dù vậy, đại diện AmCham cho rằng các nhà bán lẻ của Mỹ vẫn tin tưởng thị trường Việt Nam với tiềm năng lao động trẻ, chăm chỉ. Do đó, điều quan trọng hiện tại là Việt Nam phải nhanh chóng mở cửa trở lại, phục hồi sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Với ngành gỗ, bà đánh giá nhu cầu của Mỹ đối với sản phẩm gỗ và đồ nội thất Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022-2023. Quý IV tới sẽ là thời gian tiêu thụ quan trọng của thị trường Mỹ, đặc biệt với dịp lễ Giáng sinh và lễ Tạ ơn nên các doanh nghiệp đang nỗ lực để chuẩn bị hàng hóa cho thời gian này.

Đồng quan điểm, ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham, cho biết tình hình của các doanh nghiệp EU tại Việt Nam cũng tương tự doanh nghiệp Mỹ. Hiện ngành gỗ đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các quy trình sản xuất an toàn cũng như hạn chế của chính quyền địa phương rất khác nhau và phức tạp.

"Nhiều tuần phong tỏa là khoảng thời gian rất tệ với các doanh nghiệp EU tại Việt Nam vì đó là thời điểm nhận được nhiều đơn hàng. Nhu cầu từ Pháp, Hà Lan...đang bùng nổ tuy nhiên trong các tháng vừa qua, mọi thứ đã dừng lại", ông Cany chia sẻ.

Theo đó, các doanh nghiệp đã phải mất hàng trăm triệu USD do mất đơn hàng, trong đó doanh nghiệp sản xuất hàng ngoại thất chịu tác động nhiều hơn các đơn vị sản xuất hàng nội thất, do mùa thực hiện đơn hàng chủ yếu chỉ trong vài tháng tháng còn các doanh nghiệp sản xuất hàng nội thất thì kéo dài cả năm.

Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham cho hay vẫn có tin tốt là các đơn hàng vẫn còn và các doanh nghiệp châu Âu ít quyết liệt trong việc thay đổi chuỗi cung ứng, rời Việt Nam đến Trung Quốc, nên sức ép cho các nhà sản xuất không nhiều.

Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đối diện với các khó khăn như thiếu nguyên vật liệu, giá tăng cao, lao động rời nhà máy về quê và vẫn chưa quay lại, các nhà máy chưa vận hành công suất 100%. Đặc biệt vấn đề logistics vẫn là vấn đề lớn trong những tháng qua khi các doanh nghiệp muốn chuyển hàng rất khó để tìm được container trống.

Bắt đầu thu nhận công nhân, phục hồi công suất cho giai đoạn tái mở cửa

Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng từ dịch bệnh đang gây nên những xáo trộn nhất định cho chuỗi cung ứng toàn cầu, từ việc giá vận chuyển đến việc tăng giá nguyên liệu.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sẽ nhanh chóng thiết lập lại được trật tự của nó khi các quốc gia đã nhận thức và có chiến lược sống chung với COVID-19 rõ ràng hơn.

Theo đó, ngay khi nền kinh tế được mở lại trong trạng thái thích ứng mới, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng tìm kiếm phương án để thích nghi như tìm kiếm người lao động trở lại, ưu tiên tiêm vắc xin, chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu,...

Chia sẻ về kế hoạch phục hồi cho thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, cho biết đơn vị vừa nhận được một số thông tin tích cực là Đồng Nai sẽ cho phép người lao động tại vùng xanh hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin có thể đến nhà máy làm việc. 

Theo ông Bảo điều này có nghĩa công ty sẽ có nhiều công nhân hơn và họ có thể về nhà khi cần thiết để giải tỏa tâm lý, từ đó giúp công suất hoạt động tăng lên và tình hình sản xuất của doanh nghiệp sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Đây cũng là chia sẻ của ông Glover James Michael, Giám đốc Công ty CP Kiến trúc AA Tây Ninh, khi cho hay thời gian tới địa phương sẽ có nhiều chính sách để mở cửa trở lại, do đó, công ty đã bắt đầu nhận lại công nhân đã rời nhà máy trước đó. 

Hiện tại công ty này ghi nhận có khoảng 90% lao động sống gần nhà máy đã đồng ý sau khi được về nhà sẽ trở lại làm việc tại công ty và tỷ lệ tiêm vắc xin của công ty đã trên 40% nên việc tái mở cửa, phục hồi sản xuất là khả quan.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp để có thể tái hoạt động như kỳ vọng cần nỗ lực rất nhiều từ Chính phủ và doanh nghiệp.

Một trong số mong muốn hiện nay đó là cách tiếp cận thống nhất giữa các địa phương để đảm bảo chuỗi cung ứng được liên tục giữa các tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh,...

Đồng thời, ưu tiên, thậm chí doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền cho công nhân được tiêm vắc xin để có thể trở lại nhà máy làm việc.

Qua thời chật vật vì COVID-19, doanh nghiệp gỗ lên kế hoạch chạy đua phục hồi sản xuất, giữ chân khách hàng - Ảnh 2.

Đại diện các doanh nghiệp gỗ chia sẻ ý kiến về việc giữ vững chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh chụp màn hình)

Trước ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho hay hiện dịch đã phần nào được kiểm soát, tình hình tiêm vắc xin cũng tạm ổn ở mức phổ cập tương đối. 

Trong bối cảnh hiện tại ngành gỗ đang tái khởi động sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng sau thời gian bị tác động rõ rệt vì dịch bệnh và giải pháp bây giờ là tìm mọi cách thúc đẩy sản xuất, sống chung với dịch.

Do đó, các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực bởi không có một mô hình nào chuẩn xác cho mọi doanh nghiệp mà trên thực tế từng doanh nghiệp, từng địa phương cần đưa ra giải pháp thích ứng nhất có thể như "3 tại chỗ", "4 xanh", "1 cung đường 2 địa điểm"...

Đánh giá về khả năng phục hồi trong thời gian tới của ngành hàng, theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh nhưng ngành gỗ vẫn là một trong những ngành hàng tăng trưởng lạc quan.

Bởi tính đến hết tháng 9, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 11,9 tỷ USD, như vậy còn ba tháng nữa để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm là hơn 14,5 tỷ USD.

"Từ đây đến cuối năm nếu mỗi tháng xuất khẩu khoảng 800 triệu USD đến 1 tỷ USD thì chúng ta có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng mà Bộ NN&PTNT giao", ông Nghĩa khẳng định đồng thời cho biết Bộ vẫn kỳ vọng năm nay ngành hàng sẽ cán đích xuất khẩu khoảng 15 tỷ USD.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.