Gỗ Đức Thành sống chung với dịch
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu tỷ USD với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nhưng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ cũng không thể nằm ngoài làn sóng tác động lần thứ 4 của dịch COVID-19.
An toàn cho người lao động là trên hết
Chia sẻ về những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Tổng giám đốc CTCP chế biến Gỗ Đức Thành (Mã: GDT) cho biết, vào giữa những ngày tháng 7 là giai đoạn vô cùng khó khăn của doanh nghiệp bởi đứng trước tình hình chung về dịch bệnh phức tạp và sự vận hành của các nhà máy, Ban lãnh đạo đã đưa ra quyết định chưa từng có là tạm thời ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh để tránh rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công nhân viên.
Nguyên nhân việc tổ chức "3 tại chỗ" (3T) gặp khó khăn do không đủ thời gian sắp xếp chổ ăn, chổ ở, nơi sinh hoạt đảm bảo an toàn phòng dịch cho cán bộ, công nhân viên và khi thực hiện chi phí cũng tăng lên rất nhiều trong khi lúc này người lao động chưa được tiêm ngừa, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, nên nếu có nhiễm bệnh thì khả năng biến chứng nặng và nguy hiểm tính mạng người lao động cũng tăng theo.
Chia sẻ rõ hơn về quyết định này, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT GDT, cho biết đối với hoàn cảnh của Gỗ Đức Thành, việc thực hiện 3T không khả thi do doanh nghiệp gỗ là những đơn vị cần nhiều lao động, nên sẽ cần mặt bằng lớn để triển khai mô hình. Tuy nhiên, với nhà máy tại TP HCM, nơi không thể có mặt bằng rộng nên việc bố trí cho người lao động ăn, ở lại là điều rất khó khăn.
Theo bà Liễu, quyết định ngừng hoạt động là một quyết định không hề dễ dàng. Như hồi đợt dịch tháng 4 năm ngoái, với thời gian giãn cách xã hội hai tuần, công ty cũng đứng trước quyết định tiếp tục làm hay cho người lao động nghỉ. Nếu tiếp tục sản xuất thì sẽ duy trì được doanh số và quan hệ tốt với khách hàng, đứng về phía kinh doanh đó là lợi ích nhưng nếu hoạt động trong điều kiện không đủ an toàn thì ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Đến đợt dịch năm nay, còn khó khăn hơn là ngưng không biết thời hạn do dịch bệnh phức tạp, thành phố liên tục ra các chỉ thị khác nhau với thời gian giãn cách liên tục kéo dài khiến doanh nghiệp rất khủng hoảng.
"Sau khi bàn tính kỹ càng, ban lãnh đạo GDT đã quyết định chọn phương án dừng sản xuất để bảo toàn sức khỏe, tính mạng của người lao động vì công ty quan niệm rằng mất khách vẫn có thể tìm lại được, mất doanh số có thể tìm doanh số khác, hoặc có thể chấp nhận lợi nhuận ít lại nhưng nếu để mất con người, mất cái tình với nhau thì rất khó tìm lại được.
Đó là văn hóa của công ty từ trước đến nay vừa phù hợp với nhận định của thị trường rằng nếu không quan tâm, chăm sóc cho lực lượng lao động thì khi hết dịch bệnh công ty cũng sẽ không thể sản xuất trở lại vì thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề", Chủ tịch HĐQT GDT chia sẻ.
Mặc dù không làm việc, không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải chi rất nhiều khoản phí như phí vận hành công ty; chi phí trả cho người lao động do ngừng việc theo Luật lao động; chi phí chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ cho công nhân khó khăn, chăm sóc các công nhân không may bị F0, F1 và cả người thân trong gia đình công nhân…
Theo đại diện GDT, những điều này thể hiện sự quan tâm của công ty đối với người lao động để sau khi làm lại thì người lao động sẽ tiếp tục gắn bó với công ty và duy trì sản xuất.
Sống chung với dịch
Không chỉ khó khăn trong việc cân đối tình hình nội bộ, việc sắp xếp, thực hiện các đơn hàng cũng như duy trì mối quan hệ với đối tác cũng là một bài toán nan giải với một doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.
Đây là chia sẻ của ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc GDT cho hay, công ty phải thường xuyên duy trì liên lạc để khách hàng không bị thiếu thông tin và để khách thấy được GDT cũng không bỏ mặc khách hàng trong giai đoạn này mà là do dịch bệnh tình hình chung để họ cảm thông và chia sẻ.
Công ty đã trao đổi cùng khách hàng cân đối lại các sản phẩm. Đơn hàng nào cần trước, lập kế hoạch sẵn và ưu tiên thực hiện ngay khi được tiêm ngừa và tổ chức làm việc lại để giải "cơn khát" thiếu hàng của đối tác sau thời gian trì hoãn quá lâu.
"Việc cân đối và làm sản phẩm, đơn hàng nào cho khách hàng nào trước cũng là một vấn đề nan giải vì ngưng hoạt động quá lâu, hầu như các khách hàng đều hết hàng để bán. Chính vì vậy chúng tôi phải tổ chức sản xuất cho khách hàng có những sản phẩm nào ưu tiên, thiếu hàng để họ không bị đứt hàng bán dù phải sản xuất với số lượng ít.
Bên cạnh đó, công ty cũng sắp xếp lại đơn hàng nào xong sẽ làm thủ tục để xuất, đơn hàng dở dang thế nào để sau khi có thể tổ chức lại để hoàn thiện cho khách, các đơn hàng chưa sản xuất trao đổi với khách để dời thời gian…", Tổng Giám đốc GDT cho hay.
Theo bà Lê Hải Liễu, những mặt hàng có vật liệu phụ như vải, hộp nhựa, bản lề...doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào nhà cung cấp, dù nhà máy có sản xuất nhưng nếu nhà cung cấp không hoạt động hoặc đội giá lên thì sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trong khi nguồn gỗ dự trữ của GDT khá dồi dào, giá cả ổn định giúp giá thành phẩm ít bị biến động. Do đó, doanh nghiệp lựa chọn sản xuất những sản phẩm hoàn toàn gỗ, không lệ thuộc vào nhà cung cấp khác để đáp ứng lượng đơn hàng của đối tác.
"Công ty phải sản xuất linh hoạt, ứng biến chứ không thể máy móc trong những hoàn cảnh khó khăn như thế này. Đồng thời cũng phải bàn bạc với khách hàng ổn thỏa để họ vừa có hàng để bán vừa không phải tăng giá bằng việc tập trung lựa chọn sản phẩm đơn giản, ít tốn nhân công và nguyên phụ liệu. Cuối cùng doanh nghiệp tìm được lối thoát với cách làm này.
Và thực chất đây chính là nguyên tắc làm việc của GDT, một khi đã hứa với khách hàng thì bằng mọi giá cũng phải đáp ứng được sản phẩm cho họ. Chính vì vậy, giai đoạn cân nhắc nhận đơn hàng rất quan trọng", Chủ tịch HĐQT GDT chia sẻ.
Mặc dù đã có phương án ứng phó với tình hình khó khăn nhưng theo đại diện doanh nghiệp này việc sản xuất có chọn lựa như vậy chỉ giữ chân khách hàng, còn lợi nhuận kinh doanh lại sụt giảm, thậm chí là thua lỗ.
Nguyên nhân khi sản xuất với số lượng người lao động ít, sản lượng ít thì chi phí sẽ tăng lên khá nhiều do năng suất không hiệu quả bằng, cộng thêm các chi phí test COVID, kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm, phải lo nơi ăn, ngủ cho người lao động trong khi giá bán thì đã chốt với khách hàng từ khi trước dịch, cộng thêm giá nguyên phụ liệu thời điểm này cũng tăng khá nhiều.
"Thời điểm này không sản xuất lại cũng chết vì mất khách hàng mà sản xuất lại cũng chết vì chi phí tăng quá nhiều, giá bán không thay đổi được nên lỗ lã là điều đương nhiên. Nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận để người lao động có việc làm, có thu nhập, và giữ khách hàng để nuôi dưỡng nồi cơm của mình sau dịch bệnh.
Theo ông Thắng, ngoài những tổn thất về vật chất có thể thống kê được như đã nêu trên thì cái tổn thất vô hình mà doanh nghiệp phải đối mặt là sự dịch chuyển đơn hàng, là lực lượng lao động sẽ giảm sút trong ngắn hạn do đã về quê.
Còn về nguồn nguyên vật liệu, công ty luôn có nguồn dự trữ từ 3-6 tháng nên không bị động và luôn trong tư thế sẵn sàng hoạt động. Bên cạnh đó, GDT vẫn mua nguyên vật liệu dự trữ và chuẩn bị cho tái sản xuất lại cũng như do có mối quan hệ tốt với nhà cung cấp nên họ luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu công ty cần giao vật tư phụ liệu gấp.