|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các khoản chi nghĩa vụ tài chính của DN là quá lớn, lên tới 34% trong khi các nước chỉ dưới 20%

06:38 | 08/10/2021
Chia sẻ
Trưởng ban pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết ngoài thuế, doanh nghiệp đang phải đóng rất nhiều những nghĩa vụ tài chính với các mức độ khác nhau và nếu thống kê lại thì rất cao, cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới.
Trưởng ban pháp chế VCCI: Áp lực chi phí khiến doanh nghiệp Việt Nam trở nên kém cạnh tranh - Ảnh 1.

Trưởng ban pháp chế VCCI, Đậu Anh Tuấn. (Ảnh chụp màn hình sự kiện)

Chia sẻ tại sự kiện Chủ tịch Quốc hội làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới Doanh nhân Việt Nam, Trưởng ban pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết hiện nay ngoài thuế, doanh nghiệp đang phải đóng rất nhiều những nghĩa vụ tài chính với các mức độ khác nhau và nếu thống kê lại thì rất cao so với các nước trong khu vực.

Ông Tuấn lấy ví dụ ngoài luật thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp còn phải nộp tiền sử dụng dất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, …

Cụ thể, bình quân các khoản phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế doanh nghiệp Việt Nam phải nộp rơi vào khoảng 34%. Tại các nước trong khu vực, tỷ lệ này đang dưới 20%.

Áp lực về chi phí sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam kém cạnh tranh hơn trong trong thời gian tới

Ông Đậu Anh Tuấn

Cũng tại sự kiện, ông Tuấn chỉ ra những bất cập về hệ thống pháp luật có ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, hệ thống hiện nay chưa thống nhất, sự tiếp cận còn phân mảnh. Hầu hết doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, có doanh nghiệp lại hoạt động theo luật riêng chẳng hạn doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá, luật… Điều này tạo ra sự bất bình đẳng và trục trặc trong quá trình vận hành.

Trưởng ban pháp chế VCCI chia sẻ thời gian vừa qua có nhiều mô hình kinh doanh mới tạo ra sự thay đổi lớn nhưng cách tiếp cận về mặt khuôn khổ pháp lý là chưa thống nhất. Ví dụ trong lĩnh vực vận tải, Grab car thì điều chỉnh theo luật giao thông đường bộ nhưng Grab bike lại hoạt động theo luật thương mại điện tử.

Quan sát từ thực tiễn còn cho thấy sự chồng chéo xung đột pháp luật đối với các doanh nghiệp. Một dự án đầu tư hay một doanh nghiệp khi hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều hệ thống pháp luật khác nhau.

Do đó, các dự án cứ "chạy vòng vòng" và doanh nghiệp mất rất nhiều công để thúc đẩy các thủ tục. Chẳng hạn, một dự án đầu tư phải chịu tác động từ rất nhiều dự luật như luật đầu tư công, luật quản lý sử dụng vốn, luật doanh nghiệp, … Trong khi đó, dưới mỗi luật lại có các nghị định hướng dẫn, thông tư và tường thay đổi rất nhanh.

"Chỉ cần một trục trặc trong ma trận văn bản pháp luật này thì một dự án có thể bị tắc nghẽn trong hàng năm trời," ông Tuấn chia sẻ.

Từ đó, ông Tuấn đưa ra kiến nghị Chính phủ cần có chương trình rà soát tổng thể, toàn diện các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính và các khoản phí mà doanh nghiệp phải nộp. Đồng thời khi ra quy định thì cần có cơ chế đánh giá các chi phí mà luật tạo ra cho bộ máy Nhà nước và doanh nghiệp.

"Bên cạnh đó, quá trình rà soát nên có sự tham vấn của doang nghiệp và nhà đầu tư, cần minh bạch quy trình xây dựng pháp luật, đừng như hòn đá ném xuống ao bèo không tạo ra động lực gì cả," ông Tuấn cho biết.

Phương Nga