|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Quản lý đất công sản, nhìn từ vụ Vũ 'nhôm'

11:14 | 10/02/2018
Chia sẻ
Thông tin từ Bộ Công an liên quan đến Vũ “nhôm” đặt ra nhiều câu hỏi. Một là “Vũ “nhôm” được giao công vụ gì, chức vụ gì, quyền hạn ra sao để rồi vi phạm Điều 356?”. Câu hỏi 2: “Còn tổ chức, cá nhân nào liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP.Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác?”.

Bộ Công an vừa thông tin kết quả điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ tức Vũ “nhôm” với việc tạm giam 4 tháng đối tượng này và bổ sung tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP.Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.

Cũng trong thời gian này, Cổng thông tin Chính phủ cũng đã thông tin về Nghị định 167/2017-NĐ-CP có hiệu lực từ 2018 quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Theo đó, Nghị định đã đưa ra rất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, lãng phí thậm chí vi phạm pháp luật trong quản lý tài sản công, đặc biệt là nguồn vốn và quỹ đất công.

Nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công

Thông tin từ Bộ Công an liên quan đến Vũ “nhôm” đặt ra nhiều câu hỏi. Một là “Vũ “nhôm” được giao công vụ gì, chức vụ gì, quyền hạn ra sao để rồi vi phạm Điều 356?”. Câu hỏi 2: “Còn tổ chức, cá nhân nào liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP.Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác?”. Lần đầu tiên, cơ quan công an đưa ra thông tin chính thức về việc Vũ “nhôm” có liên quan tới việc mua, bán đất công sản ở Đà Nẵng và không chỉ có ở Đà Nẵng.

qua n ly da t cong sa n nhi n tu vu vu nhom
Nhà số 20 Bạch Đằng rộng hơn 1.300m2 đã được khoanh kín. Theo giấy tờ, Cty CP Cung ứng tàu biển thuê, nhưng đến nay đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân khác và vi phạm hàng loạt luật đất đai, tài chính, gây thất thoát ngân sách. Ảnh: P.V.

Trong quá trình khởi tố, bắt giam Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Trốn thuế” và “Làm lộ bí mật nhà nước”, phóng viên đã tìm hiểu và thông tin về sự liên quan mật thiết giữa Vũ “nhôm” và hàng loạt dự án, công trình nhà công sản. Thông tin này bắt nguồn từ tiết lộ của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại cuộc gặp mặt cán bộ sĩ quan cấp cao, đã nghỉ hưu của Quân khu V nhân ngày Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 20.12. Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết cơ quan chức năng sẽ điều tra, xác minh kỹ các dấu hiệu vi phạm về quy trình, thủ tục trong phê duyệt các dự án, chuyển đổi nhà công sản... cho ông Phan Văn Anh Vũ.

Qua tìm hiểu, điều tra, phóng viên Báo Lao Động nhận thấy: Hàng loạt nhà, đất công sản của Đà Nẵng được chuyển đổi cho ông Vũ “nhôm” không qua đấu giá, có dấu hiệu sai phạm. Tháng 9.2017, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra điều tra về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện dự án xây dựng, giao nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho tổ chức, cá nhân của UBND TP.Đà Nẵng từ năm 2006 đến 2017 của 9 dự án, mua/thuê 31 nhà, đất công sản tại Đà Nẵng. Trong đó, phần lớn các dự án, nhà công sản được cho là của ông Vũ “nhôm”.

Theo điều tra của Lao Động, ngoài một số nhà, đất công sản được mua bán có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không qua đấu giá, gây thất thoát ngân sách..., phần lớn 9 dự án bị Cơ quan An ninh điều tra đề nghị cung cấp hồ sơ để điều tra lần này đang trong tình trạng xây dựng, rao bán và chuyển nhượng một phần cho các đối tác khác. Trong đó, dự án Phú Gia Compoud ở quận Thanh Khê là một trong những dự án đã huy động vốn khách hàng, đang bị đề nghị điều tra. Dự án này cũng liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.

Theo tài liệu, một số dự án trong 9 dự án có dấu hiệu sai phạm gồm: Công viên An Đồn (2010); Khu đô thị Habour Ville của Công ty Đầu tư Mega (2008); khu đất tại đường 2.9 Phan Thành Tài (2012); dự án Phú Gia Compound (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, 2007); Khu du lịch nhà hàng - bar - cà phê và bến du thuyền phía tây cầu Rồng (2015); dự án KĐT quốc tế Đa Phước (2008)...

Ngoài ra, có 31 nhà, đất công sản và nhà đất cơ quan điều tra liên quan đến ông Vũ trong việc mua bán, cụ thể: 16 Bạch Đằng, 20 Bạch Đằng, 158 Bạch Đằng, 7 Bạch Đằng, 100 Bạch Đằng, 86 Bạch Đằng, 318 Lê Duẩn, 57 Lê Duẩn, 17 Lê Duẩn, 354 Hùng Vương, 81 Hùng Vương, 89 Hùng Vương, 45 Nguyễn Thái Học, 47 Nguyễn Thái Học, 49 Nguyễn Thái Học, 73 Nguyễn Thái Học, 106 Trần Phú, 37 Pasteur, 39 Pasteur, 2 Hải Phòng, 82 Trần Quốc Toản, 107 Hoàng Hoa Thám, 22 Cô Giang, 32 Lê Hồng Phong, 34 Hoàng Văn Thụ, 11 Phạm Hồng Thái, 121 Phan Châu Trinh, 319 Lê Duẩn, 36 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng mở rộng. Trong đó, các căn nhà từ 45-49 Nguyễn Thái Học liên quan đến gia đình ông Nguyễn Xuân Anh - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Còn lô đất 51 Nguyễn Thái Học mới được phát hiện là Phan Văn Anh Vũ nhượng quyền cho ông Hồ Ánh - nguyên là Thư ký của ông Xuân Anh.

Điều đáng nói đa số các nhà đất công sản trên được mua bán không qua đấu giá. Việc xác định giá và hệ số sinh lợi ở các khu đất này có biểu hiện làm lợi cho doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp mua nhà đất công sản không sử dụng được mục đích như tờ trình xin mua như ban đầu mà đem bán để hưởng giá trị chênh lệch.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi: “Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP.Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”. Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.

Sẽ thu hồi hàng loạt

Việc sử dụng đất công một cách bừa bãi, vi phạm pháp luật tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác liên quan đến Vũ “nhôm” chỉ là một trường hợp trong bối cảnh việc quản lý đất công lâu nay còn lỏng lẻo dẫn đến lãng phí, thất thoát.

Theo Bộ Tài chính, một trong những lý do chính là chính sách về sắp xếp nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm, do quy hoạch) hiện đang được quy định ở nhiều văn bản (Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nên khó theo dõi và thực hiện. Ngoài ra, việc triển khai các quyết định nêu trên còn chậm, vì các lý do: Vẫn có quy định chưa phù hợp thực tế (như quy định xử lý thu hồi trong trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng một phần diện tích nhà, đất chưa đúng quy định (cho thuê, liên doanh, liên kết...), có quy định khó thực hiện (như quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị phải bố trí từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất).

Nghị định 167/2017-NĐ-CP có hiệu lực từ 2018 của Chính phủ được cho là sẽ ngăn chặn một cách có hiệu quả tình trạng mua bán, sử dụng sai mục đích đất công sản hiện nay. Theo nghị định này, về việc mua bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất công sản, Thủ tướng sẽ xem xét, phê duyệt phương án Quyết định bán tài sản trên đất, nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất do Trung ương quản lý; bán chuyển nhượng đất theo hình thức chỉ định thuộc một trong các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở đề nghị của bộ, cơ quan Trung ương (đối với nhà đất thuộc Trung ương quản lý), UBND tỉnh (đối với nhà, đất địa phương quản lý) và có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính; ngoài trường hợp kể trên, Bộ Tài chính được quyền quyết định bán tài sản trên đất, đất công sản; đất của địa phương được thực hiện theo phân cấp Hội đồng nhân dân.

Đối với trường hợp nhà, đất sử dụng không đúng quy định như không sử dụng, cho mượn, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết, Nhà nước sẽ thu hồi. Nghị định quy định việc thu hồi nhà, đất công được áp dụng trong các trường hợp như: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không sử dụng liên tục quá 12 tháng; Sử dụng nhà, đất không đúng quy định; Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; Nhà, đất được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng… Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định thu hồi đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý.

Cũng theo Nghị định này, hình thức chuyển mục đích sử dụng đất chỉ áp dụng với nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Riêng việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ áp dụng với doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về kinh doanh bất động sản.

Nhóm PV