|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bị lừa đặt cọc mua đất, vừa mất tiền tỉ vừa bị người thân nghi chiếm đoạt tiền

16:49 | 03/05/2020
Chia sẻ
Quá tin người và do lòng tham làm mờ mắt, ông B. đã đặt cọc số tiền lớn để mua đất của cặp vợ chồng làm ăn thất tín. Kết quả, không những bị mất tiền tỉ, ông này còn bị những người thân nghi ngờ chiếm đoạt tài sản.

Tiền mất, đất chẳng thấy đâu

Trước khi giao kết hợp đồng giao dịch bất động sản, các bên sẽ tiến hành đặt cọc. Đây là hình thức phổ biến nhằm đảm bảo cho việc giao dịch hoặc là bước chuẩn bị cho việc giao kết hợp đồng mua bán. Tuy vậy, có nhiều rủi ro trong quá trình ký hợp đồng đặt cọc khiến cho người mua rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. 

Chia sẻ với VietNamNet, ông P.V.B (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, hơn 1 năm qua ông vẫn chưa đòi lại được khoản tiền 5 tỷ đồng đã đặt cọc để mua lô đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức từ vợ chồng ông D. 

Theo ông B, qua các mối quan hệ kinh doanh, ông biết vợ chồng ông D. đang rao bán lô đất 900m2 tại phường Trường Thọ, hiện trạng là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Tính toán sẽ có lãi, ông B. đồng ý mua lô đất nói trên với giá 36 tỷ đồng với điều kiện bên bán phải lo thủ tục chuyển mục đích sử dụng 600m2 sang đất thổ cư và phân thành 12 lô đất nhỏ.

Hai bên thống nhất các điều kiện trên và tiến hành ký hợp đồng đặt cọc, sau đó ông B. đã chuyển cho bên bán 4 tỷ đồng, phần còn lại sẽ thanh toán khi hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng.

Hợp đồng cọc có điều khoản nếu sau 3 tháng mà vợ chồng ông D. không thực hiện xong thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và phân lô như cam kết thì sẽ đền tiền cọc gấp đôi. Vì tin tưởng nhau nên ông B. không yêu cầu công chứng hợp đồng cọc.

Bị lừa đặt cọc mua đất, vừa mất tiền tỉ vừa bị người thân nghi chiếm đoạt tiền - Ảnh 1.

Vì tin người và tham lợi nhuận, ông B vừa bị mất tiền vừa vị người thân, bạn bè nghi chiếm đoạt tiền (Ảnh minh hoạ)

Để có 4 tỷ đồng đặt cọc, ông B. đã vét hết tiền trong nhà và huy động thêm từ người thân, bạn bè. Hết thời hạn 3 tháng, vợ chồng ông D. vẫn chưa hoàn tất thủ tục. Vì tin tưởng vào lời hứa sẽ lo thủ tục sớm của vợ chồng ông D. nên ông B. cho gia hạn thêm 2 lần.

Gần 1 năm trôi qua, vợ chồng ông D. vẫn chưa thực hiện xong thủ tục. Không những thế, cặp vợ chồng này còn 2 lần mượn tổng số tiền 1 tỷ đồng của ông B. với lý do cần tiền để “chạy” giấy tờ. Nghĩ rằng trước sau gì cũng thanh toán tiền đất nên ông B. đã chuyển tiền cho vợ chồng ông D. mượn mà không mảy may nghi ngờ. 

Trong thời gian này, người thân và bạn bè ông B. liên tục đòi tiền. Ông B. giải thích cần thời gian cho bên bán lo thủ tục nhưng nhiều người không còn tin, thậm chí họ còn nghi ông B. chiếm đoạt tiền của họ để tiêu xài cá nhân. Để có tiền trả, ông B. buộc phải bán các tài sản có giá trị trong nhà và 2 lô đất ở quê.

Sau khi nhận tổng cộng 5 tỷ đồng, vợ chồng ông D. bắt đầu né tránh, ông B. liên lạc rất khó khăn. Nhiều lần vợ chồng ông D. viện lý do đi công tác để tránh gặp mặt, không trả lại tiền cọc. Tìm hiểu về pháp lý lô đất, ông B. tá hoả khi biết trước khi nhận tiền cọc của mình, vợ chồng ông D. đã thế chấp lô đất cho ngân hàng với giá 30 tỷ đồng. 

Biết bị lừa, ông B. đã làm đơn tố cáo vợ chồng ông D. đến công an thì được trả lời rằng đây là giao dịch dân sự, các bên tự thoả thuận với nhau nếu không được thì khởi kiện ra toà. Đến nay, ông B. vẫn đang tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện vợ chồng ông D. 

Người mua đất cần trang bị những gì? 

Theo luật sư Lương Ngọc Đinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Việt Trí, để phòng tránh những rủi ro khi giao dịch BĐS, người mua cần kiểm tra chủ sở hữu, thông tin thửa đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với BĐS đã có sổ hồng thì cần xem hiện trạng nhà ở, cập nhật về thay đổi chủ sở hữu, thế chấp. 

Ở thời điểm đặt cọc, nhiều người thường không quan tâm đến chủ thể đứng tên trên giấy tờ pháp lý của BĐS là ai?

Nếu trên giấy tờ chỉ có tên một người, ví dụ chồng hoặc vợ, thì người mua cần yêu cầu bên bán xác nhận BĐS đó là tài sản chung hay riêng và phải được lập bằng văn bản tại cơ quan công chứng. Với tài sản do nhận thừa kế, giấy chứng nhận thể hiện bao nhiêu chủ sở hữu thì bên mua phải yêu cầu tất cả cùng đứng tên ký vào hợp đồng cọc. 

Về rủi ro cho bên bán, theo luật sư Đinh, thời gian qua có tình trạng tráo giấy chứng nhận. Ví dụ người bán là chủ sở hữu căn nhà, khi rao bán họ đưa giấy chứng nhận cho bên môi giới hoặc người mua xem.

Do không để ý, người bán bị tráo giấy chứng nhận thật bằng giấy chứng nhận giả. Đến khi tìm được người mua, ra cơ quan công chứng thì bên bán mới phát hiện giấy chứng nhận căn nhà của mình là giả. 

Ngoài xác định tính chính chủ, người mua cần kiểm tra thông tin quy hoạch của BĐS cần mua; hiện trạng BĐS đó do ai đang sử dụng, người bán đang cho thuê, cho ở nhờ hay chính họ sử dụng, để đảm bảo đảm khi xuống tiền rồi thì người mua sẽ nhận được BĐS ngay.

Việc xác minh BĐS có đang bị ngăn chặn hay không, công chứng viên Bùi Thị Xuân – Trưởng Văn phòng công chứng Bùi Thị Xuân cho rằng, không phải hễ cứ ai yêu cầu thì văn phòng công chứng cũng cung cấp, bởi đây là bí mật của khách hàng.

“Chỉ khi nào hai bên thực hiện hoặc có yêu cầu giao dịch tại văn phòng thì văn phòng công chứng mới kiểm tra. Nếu phát hiện BĐS đang bị ngăn chặn, công chứng viên sẽ trực tiếp thông báo cho khách.

Để biết BĐS đó có bị đang thế chấp hay không, có thể kiểm tra trực tiếp trên giấy chứng nhận, ở đó sẽ có các trang cập nhật về thông tin thế chấp tài sản”, bà Xuân chia sẻ.

Phương Anh Linh