|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PwC: GDP Việt Nam có thể đứng thứ 20 thế giới vào năm 2050

13:39 | 07/02/2017
Chia sẻ
Bộ phận nghiên cứu của công ty kiểm toán PwC đưa ra dự báo Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất từ nay đến năm 2050 và sẽ đứng thứ 20 về GDP năm 2050.
gdp viet nam co the dung thu 20 the gioi vao nam 2050
GDP Việt Nam có thể đứng 20 thế giới năm 2050.

Theo báo cáo mới nhất của PwC về Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050, trong 32 nền kinh tế lớn nhất được khảo sát, Việt Nam đang nằm ở vị trí thứ 32.

Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất từ nay đến năm 2050 và sẽ đứng thứ 20 về GDP năm 2050, PwC nhận định. Trước đây hai năm, PwC dự đoán Việt nam sẽ ở vị trí 22 về GDP.

Cũng trong báo cáo này, PwC cho rằng Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế có GDP lớn nhất nếu tính theo PPP và có khả năng sẽ đứng đầu thế giới về GDP tính theo tỷ giá hối đoái thị trường trước năm 2030.

Ấn Độ có thể chiếm vị trí thứ 2 của Mỹ từ nay đến năm 2050, Indonesia có khả năng vươn lên vị trí thứ 4 – vượt qua Nhật Bản và Đức. Đến năm 2050, 6 trong 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ là các nền kinh tế mới nổi.

gdp viet nam co the dung thu 20 the gioi vao nam 2050

Về tổng quan, các chuyên gia PwC dự báo quy mô kinh tế toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2042 và mức tăng trưởng thực tế hàng năm sẽ ở khoảng 2,5% trong giai đoạn 2016 - 2050.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế thế giới trung bình 3,5% mỗi năm từ nay đến năm 2020, sau đó tăng trưởng chậm xuống mức 2,7% trong thập niên 2020, 2,5% trong thập niên 2030 và 2,4% trong thập niên 2040.

Cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục có xu hướng chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi từ nay đến năm 2050. Các thị trường mới nổi sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP toàn cầu trong dài hạn, mặc dù một số thị trường đã gặp khó khăn trong thời gian gần đây.

Báo cáo lý giải do nhiều nước phát triển (và một số thị trường mới nổi như Trung Quốc) sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng tại các thị trường mới nổi sẽ chậm lại vì các nền kinh tế này đang đạt đến độ trưởng thành, và nhu cầu tăng trưởng nhanh để đuổi kịp các nước khác sẽ giảm dần.

Dù vậy, đây vẫn là giai đoạn mà cơ hội lớn sẽ dành cho những doanh nghiệp có chiến lược linh hoạt và kiên trì.

Về thu nhập bình quân đầu người, báo cáo cho biết, các nước phát triển tiếp tục có mức cao hơn. Các thị trường mới nổi sẽ thu hẹp dần khoảng cách này từ nay đến năm 2050, nhưng việc loại bỏ hoàn toàn chênh lệch về thu nhập giữa các nước sẽ phải chờ đến nhiều năm sau đó nữa.

Trong bối cảnh như vậy, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Giám đốc PwC cho rằng nhiệm vụ cấp bách đối với Việt Nam là cần xây dựng một nền kinh tế đa dạng hơn, có khả năng tạo dựng cơ hội kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực hơn. Bởi Việt Nam là nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, trong khi thương mại toàn cầu có xu hướng giảm.

"Chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo nhằm đổi mới thể chế nhanh chóng hơn chính là một hướng đi đúng đắn để hiện thực hóa nhiệm vụ này tại Việt Nam", bà Vân nhận định.

Thái Hoàng

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.