|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVD để ngỏ kế hoạch thoái vốn trong năm nay

17:32 | 18/06/2020
Chia sẻ
Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ thoái vốn từ 51% xuống 36%. Tuy nhiên, thực tế thì thời gian thoái vốn có thể kéo dài.

Sáng nay (18/6), Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Tại đại hội, ban lãnh đạo PVD trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu đạt 4.680 tỉ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm ngoái. Chỉ số lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 63%, còn 68 tỉ đồng.

Kế hoạch này được PVD đưa ra từ cuối 2019 trên cơ sở giá dầu thô trung bình được dự đoán ở mức 60 USD/thùng và chưa tính đến tác động của COVID-19 đến giá dầu.

ĐHĐCĐ PDV - Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020. Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ.

Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tỉ lệ 10% từ nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của những năm trước nhằm giữ lại dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo cho biết, năm 2019 PVD đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra khi đạt doanh thu 4.638 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 184 tỉ đồng so với kế hoạch đặt ra trước đó là doanh thu là 3.850 tỉ đồng và không thua lỗ.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận 2019, công ty dự kiến sẽ phát hành tối đa 42 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức, tỉ lệ 10%. Nguồn phát hành cổ phần từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2019. Thời gian phát hành dự kiến trong quí III hoặc quí IV/2020.

Bên cạnh đó, công ty sẽ điều chuyển thêm 1.968 tỉ đồng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2019 sang quĩ đầu tư phát triển.

Năm 2020, PVD dự kiến sẽ đầu tư mới cụm tháp khoan DES (tổng mức đầu tư 35 triệu USD) và triển khai công tác tái khởi động dàn khoan nước sâu PV DRILLING V nhằm kịp thời phục vụ cho chiến dịch khoan BSP tại Brunei vào tháng 4/2021.

Trước câu hỏi của cổ đông về kế hoạch thoái vốn nhà nước của công ty, ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT cho biết: Theo kế hoạch đến năm 2020, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ thoái vốn từ 51% xuống 36%. Tuy nhiên, thực tế thì thời gian thoái vốn có thể kéo dài. Hiện ban lãnh đạo công ty vẫn thường xuyên thúc giục Tập đoàn thực hiện việc thoái vốn.

Bên cạnh đó tiến độ thu hồi nợ công cũng là điều được các đông đang quan tâm và nhắc đến. Trả lời về vấn đề này, ông Dũng cho biết, trước đây, PVEP nợ 1.200 tỉ đồng và giảm xuống còn hơn 300 tỉ đồng sau 3 năm. Gần đây PVD tiếp tục thu thêm 50 tỉ đồng nên khoản phải thu chỉ còn 250 tỉ đồng. Công ty dự kiến sẽ thu hồi nợ dứt điểm trong năm 2020.

Khi được hỏi về hiệu quả của các dàn khoan, ông Dũng chia sẻ, năm ngoái, giá thuê giàn khoan PVD VI có thời điểm lên 69.000 USD/ngày so với giai đoạn năm trước chỉ 50.000 USD/ngày. 

Giàn khoan PV Drilling V hiện có giá khoảng 90.000 USD/ngày cho 6 năm đầu tiên và cơ hội tăng giá sau đó, ước tính có thể thu lợi nhuận khoảng 8 triệu USD cho cả vòng đời dự án. 

Theo đánh giá của Shell tại Brunei, nếu giàn khoan hoạt động tốt thì có thể gia hạn hơn con số 10 năm rất nhiều và giá theo đó cũng sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, công ty phải chi 7 triệu USD để sữa chữa, bảo dưỡng giàn khoan số này và hơn 12 triệu USD để làm công tác khởi động lại giàn khoan. Với khoản chi phí gần 20 triệu USD sẽ không ghi nhận hết trong năm 2020 mà sẽ rải đều theo tiến độ dự án. 

Ngoài ra, về hiệu quả đóng góp của mảng dịch vụ kỹ thuật giếng khoan, ông Dũng cho hay, trước đây, hoạt động các giàn khoản chiếm 65% doanh thu, 35% còn lại đến từ dịch vụ kỹ thuật giếng khoan.

Tỷ trọng này bắt đầu đảo chiều từ năm 2016 đến nay, hiện tại, dịch vụ kỹ thuật chiếm 70-80%, giàn khoan chỉ còn chiếm 20%. Thậm chí hoạt động giàn khoan còn âm kéo giảm lợi nhuận của PVD.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch đấu thầu của công ty trong thời gian tới, ban lãnh đạo cho biết, PVD có tham gia đấu thầu một số gói thầu ở khu vực và đang trong quá trình đánh giá thêm. 

Ngoài ra, công ty cũng đang làm việc các khách hàng hiện tại để tiếp tục giữ các hợp đồng đang thực hiện dở dang năm 2020 để chuyển sang 2021.

Khi được hỏi về ước tính kết quả 6 tháng đầu năm, ông Đỗ Danh Rạng, Phó Tổng giám đốc cho biết, PVD có thể đạt lợi nhuận khoảng 75 tỉ đồng trong nửa đầu năm nếu ghi nhận kịp thời khoản thu hồi nợ công trên 50 tỉ đồng từ PVEP.

Trước đó, PVD đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 với doanh thu thuần đạt 1.675 tỉ đồng, tăng 84% so với cùng kì năm trước, lợi nhuận sau thuế của PVD trong quí I/2020 đạt 16 tỉ đồng trong khi cùng kì lỗ hơn 93 tỉ đồng.

Như vậy, với kết quả quí I/2020, PVD đã thực hiện 36% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lãi sau thuế của cả năm. Kết quả kinh doanh tích cực là do số lượng và hiệu suất giàn khoan cho thuê tăng lên đáng kể cùng với việc kiểm soát tốt chi phí quản lí doanh nghiệp.


Hòa My

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.