PPI: Cuộc tái cơ cấu đã thất bại?
Khởi đầu tái cơ cấu suôn sẻ…
Trở về quá khứ một chút, sau khi cổ phần hóa, năm 2003, PPI bắt đầu mở rộng kinh doanh từ mảng xây lắp sang lĩnh vực bất động sản và đến năm 2007 thì mảng này “áp đảo”, luôn giữ trên mức 65% trong cơ cấu doanh thu cho đến năm 2009. Năm 2010, dù hoạt động xây lắp có kết quả tốt hơn nhưng doanh thu bất động sản của PPI vẫn đang tăng.
Giai đoạn 2006-2010 ghi nhận chặng đường vẻ vang nhất đối với PPI, cả doanh thu và lợi nhuận cùng tiến theo sức nóng của thị trường bất động sản. Doanh thu PPI từ con số 50 tỷ đồng trong năm 2006 đã lên đến 435 tỷ đồng vào năm 2010, tương ứng tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 88%. Lãi ròng thì tăng trưởng đến hơn 300% từ hơn 1 tỷ lên gần 40 tỷ đồng.
Nhưng khi thị trường bất động sản trong nước đóng băng thì PPI gặp ngay khó khăn. Theo đó, ba năm từ 2011-2013, doanh thu và lợi nhuận của PPI đều ở mức rất thấp, đặc biệt năm 2013 chỉ quanh ngưỡng 100 tỷ đồng doanh thu và 100 triệu đồng lợi nhuận được doanh nghiệp lý giải bởi gặp khó khăn về nguồn vốn.
Cũng trong giai đoạn này, PPI đã tự “lấy đá ghè chân” khi gia tăng vay nợ (theo giải thích của Công ty do vốn điều lệ nhỏ trong khi việc phát hành huy động vốn không thuận lợi buộc phải vay từ ngân hàng).
Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu thuần giảm từ 0.48% năm 2012 còn 0.1% năm 2013, ROA thì giảm từ 0.13% còn 0.01%; lãi cơ bản mỗi cổ phiếu (EPS) giảm từ 73 đồng/cp còn 8 đồng/cp. Đến cuối năm 2013, các khoản nợ phải trả của PPI ở mức 511 tỷ đồng, chiếm khoảng 65% tổng nguồn vốn.
Quyết định tái cơ cấu mạnh mẽ đã được ban lãnh đạo PPI đưa ra ngay sau đó và cũng lập tức có kết quả khả quan ban đầu dù rằng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, hai năm 2014 và 2015, PPI ghi nhận doanh thu lần lượt 353 tỷ và 439 tỷ đồng, lãi ròng gần 23 tỷ và 29 tỷ đồng. So với kết quả từ 2011-2013 thì rõ ràng con số doanh thu và lợi nhuận năm 2014 và 2015 đã là một nỗ lực lớn.
Trên sàn, đà rơi cổ phiếu PPI từ năm 2010 kéo dài hết năm 2013 được chặn đứng trong năm 2014. PPI từ mức đáy 3,000 đồng/cp đã tăng mạnh để vượt mệnh giá 10,000 đồng/cp (mức cao nhất đạt được là 13,600 đồng/cp vào ngày 20/11/2014), thanh khoản cổ phiếu trong năm 2014 đã tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 2011-2013, đạt 220,000 cp/phiên.
… nhưng giờ đã thất bại?
Có một điểm đáng chú ý tại PPI trong quá trình tái cơ cấu từ năm 2014 đó là Công ty đã huy động thêm nguồn vốn lớn từ các cổ đông để bổ sung vốn lưu động cũng như hỗ trợ hoạt động kinh doanh xây lắp và bất động sản.
Cụ thể, qua hai lần phát hành thêm, PPI đã huy động được gần 300 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ qua đó cũng tăng gấp 3, lên hơn 480 tỷ đồng.
Những tưởng lợi nhuận từ hai năm 2014 và 2016 cùng với số tiền gần 300 tỷ đồng huy động được sẽ giúp PPI có thêm cơ sở vững chắc để tiếp tục tăng trưởng thì ngược lại, kết quả kinh doanh Công ty lại lao dốc mạnh và còn tệ hơn cả giai đoạn 2011-2013.
Năm 2016, PPI bất ngờ báo lỗ 37 tỷ đồng, chính thức xóa tan thành quả của hai năm trước đó khi phát sinh lỗ lũy kế hơn 13 tỷ đồng. Chưa dừng lại, PPI cũng vừa công bố BCTC quý 4/2017 với con số lỗ hơn 26 tỷ đồng, kéo lỗ cả năm lên gần 50 tỷ đồng. Như vậy, với hai năm lỗ liên tiếp, có thể nói nỗ lực tái cơ cấu của PPI dường như đã thất bại.
Nguồn: Vietstock |
Theo giải trình của PPI, nguyên nhân thua lỗ trong năm vừa qua là do phải tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu. Một số công trình cũ bị cắt giảm khối lượng khiến doanh thu giảm. Hơn nữa, các công trình đang thực hiện triển khai chậm do nhiều yếu tố khách quan, trong năm 2017 Công ty có ít đơn hàng nhưng vẫn chịu chi phí quản lý, lãi vay.
Tại thời điểm cuối năm 2017, PPI có khoản phải thu khách hàng gần 255 tỷ đồng và hiện đang trích lập gần 29 tỷ đồng. Các khoản phải thu khác gần 79 tỷ đồng, hiện đã trích lập 18.5 tỷ. Bên cạnh đó, PPI có tổng nợ ngắn hạn hơn 248 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với giá trị tài sản ngắn hạn chỉ 201 tỷ đồng vào 31/12/2017.
Trên sàn, giá cổ phiếu PPI hiện giao dịch ở 1,800 đồng/cp, mức thấp kỷ lục kể từ khi niêm yết.
Nguồn: Vietstock |