|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bất động sản Phát Đạt chuyển đại hội cổ đông về trụ sở công ty vì khách sạn Nikko Sài Gòn đóng cửa

08:00 | 26/03/2020
Chia sẻ
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt vừa phát đi thông báo sẽ dời địa điểm tổ chức đại hội về trụ sở công ty ở quận 7. Theo dự kiến, đại hội sẽ diễn ra vào thứ Bảy tuần này (28/3).

Ngày 25/3, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã - PDR) phát đi thông báo về việc thay đổi địa điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020.

Theo kế hoạch trước đây, Phát Đạt sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 28/3/2020 (thứ Bảy) tại Khách sạn Nikko Sài Gòn (235 Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM).

Thông báo phát đi mới đây cho thấy, Phát Đạt sẽ dời địa điểm tổ chức đại hội về văn phòng công ty tại số 422 Đào Trí, khu phố 1, phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM nguyên nhân do Khách sạn Nikko Sài Gòn tạm dừng hoạt động phòng dịch COVID-19.

"Căn cứ theo Công văn số 1049/UBND-TH ngày 24/3 của UBND TP HCM về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn thành phố, ngày 25/3 Khách sạn Nikko Sài Gòn đã tạm thời ngưng hoạt động và từ chối cho Phát Đạt thuê địa điểm để tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020", thông báo của công ty nêu rõ lí do.

Phớt lờ khuyến cáo chống dịch COVID-19, doanh nghiệp với hàng trăm cổ đông vẫn quyết định tổ chức đại hội thường niên 2020  - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Phát Đạt tổ chức vào năm ngoái (Ảnh: Phát Đạt)

Liên quan đến việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, ngày 25/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố Công văn số 1916/UBCK-GSDC với nội dung: "Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19) đang có diễn biến phức tạp, nhiều công ty đại chúng phản ánh việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 gặp khó khăn do yêu cầu của việc phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.

UBCKNN đề nghị các Công ty đại chúng tuân thủ qui định về thời gian họp ĐHĐCĐ theo qui định tại Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014.

Trường hợp không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, HĐQT công ty có văn bản đề nghị gia hạn gửi Cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết.

Bên cạnh đó, Công ty cần chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho cổ đông tham dự, phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của chính quyền địa phương nơi dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ."

Ngoài ra, UBCKNN cũng cho biết các công ty có thể lựa chọn cách thức tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến để các cổ đông tham dự và biểu quyết tại ĐHĐCĐ thông qua họp trực tuyến theo qui định.

Hiện tại, Phát Đạt là một trong hai doanh nghiệp vẫn quyết định tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 tại TP HCM bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Với hàng trăm cổ đông chưa kể nhân sự công ty và các khách mời, nếu mọi người cùng tham dự sẽ khó tránh khỏi việc tập trung đông người tại một địa điểm. Ngược lại, nếu các cổ đông nhỏ lẻ vì COVID-19 mà không tham dự sẽ mất cơ hội được chất vấn trực tiếp Ban lãnh đạo công ty về các vấn đề trong hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong khi đó, vì sự an toàn của cộng đồng trước dịch COVID-19, mọi hoạt động tụ tập đông người đã được Chính quyền địa phương khuyến cáo. 

Mới ngày hôm qua (24/3), UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi các sở, ngành và 24 quận, huyện về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn thành phố.

Theo đó, TP HCM sẽ tạm dừng mọi hoạt động tại các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP kể từ 18 giờ ngày 24/3 đến hết ngày 31/3.

Quyết định này của UBND TP nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người và yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở vấn đề này. 

Nguyên Ngọc

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.