|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phong tỏa COVID ở Thượng Hải: Người dân giành giật đồ ăn, nhân viên y tế đình công

12:31 | 19/04/2022
Chia sẻ
Mắc kẹt trong đợt phong tỏa dường như không có hồi kết, người dân Thượng Hải đang mang đầy sự căng thẳng, nhân viên y tế tuyệt vọng khi phải làm việc quá sức và lãnh đạo có thể mất cơ hội thăng tiến khi Đại hội Đảng đang đến gần.

Sự lo lắng của cư dân Thượng Hải lên cao khi nhân viên y tế giết thú cưng, cư dân đói ăn cướp cửa hàng tạp hóa và máy bay không người lái bay qua tòa nhà chọc trời để nói với người dân “kiểm soát mong muốn tự do trong tâm hồn bạn”.

Mặc cho sự căng thẳng của người dân, vào hôm 13/4, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết “các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát không thể được thả lỏng”.

Một số người cũng so sánh sự phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải với thành công chống dịch tương đối ở Thâm Quyến, nơi đã đánh bại được đợt bùng phát Omicron trong vòng vài tuần.

Người dân giành giật đồ ăn

Mặc cho những nỗ lực của mình, nhân viên y tế không được cộng đồng yêu quý do những video về người mặc áo bảo hộ giết hoặc bắt thú cưng, sử dụng gậy để trấn áp hay đóng dấu niêm phong vào cửa nhà người dân.

Sau khi một nhân viên y tế đánh chết một con chó corgi vào đầu tháng 4, người dân Thượng Hải đã so sánh thực tế của họ với nơi họ ở vào năm 2021, khi những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID được phép cách ly với vật nuôi của họ.

Các bài báo xuất hiện ngày càng nhiều với thông điệp cường điệu như một cụ ông nói rằng cuộc sống trong thời gian phong tỏa còn tồi tệ hơn Cách mạng Văn hóa hay một bài báo có tựa đề “Giúp đỡ !!” nhằm mục đích thông báo cho những người bên ngoài thành phố về những nỗ lực tuyệt vọng để mua thực phẩm.

Trong một đoạn video, một đám đông lớn người đã hét lên "cung cấp nhu yếu phẩm" khi đối mặt với các nhân viên an ninh ở lối vào một khu dân cư khu vực Jiuting, huyện Songjiang.

Cư dân tại khu dân cư ở Jiuting, huyện Songjiang đối mặt với nhân viên y tế nhằm yêu cầu "cung cấp nhu yếu phẩm". (Ảnh: ABC News).

Video từ các trung tâm kiểm dịch tập trung, được gọi là fangcang, đã tạo ra tâm lý khiến mọi người sợ hãi về nguy cơ pháp lý của việc nhiễm COVID hơn là ảnh hưởng về mặt sức khỏe.

Một số video khác cho thấy cảnh người dân giành giật nhu yếu phẩm, đặc biệt là đồ ăn. Theo ABC News, mặc dù chính quyền Thượng Hải đang cố gắng phân phối thực phẩm, nhiều người dân đã phàn nàn rằng việc giao hàng không đủ, đặc biệt là ở khu vực Jiuting của quận Songjiang.

Theo ABC News, một người dùng Weibo có tên là Yaya cho biết đã có bạo loạn ở các khu vực lân cận. Cô nói rằng chỉ đến khi mọi người lên tiếng phản đối thì mới nhận được đồ ăn. “Thật nực cười,” cô nói. “Mấy ngày nay vợ chồng tôi đều cố gắng mua rau trên mạng".

"Hôm nay, chúng tôi thậm chí không thể mua bất cứ thứ gì từ [cửa hàng trực tuyến]".

Người dân khu vực Jiuting của quận Songjiang tranh giành nhu yếu phẩm. (Ảnh: BBC).

Nhân viên y tế đình công

Vào ngày 23/3, một y tá 49 tuổi làm việc tại Bệnh viện Đông Thương Hải đã chết bởi một cơn hen suyễn sau khi bị bệnh viện từ chối vì không có kết quả PCR kịp thời. 

Cái chết của cô đã gây phẫn nộ cho các nhân viên y tế Thượng Hải, một số người đã đình công để phản đối sự đối xử bất công của cơ quan y tế.

Cuối tháng 3, hàng chục nhân viên y tế tại Bệnh viện Zhoupu tại Phú Đông đã thành công trong việc yêu cầu lãnh đạo tăng cường bảo vệ trước virus và cho họ đủ thời gian để ngủ.

Vào ngày 13/4, một video về cuộc điện thoại giữa người dân Thượng Hải tuyệt vọng tìm cơ hội được điều trị và nhân viên y tế đã được chia sẻ rộng rãi trên WeChat.

“Tôi cảm thấy bất lực… Tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi có thể sẽ nghỉ việc sớm”, nhân viên y tế này nói. “Tôi không hiểu tại sao các cơ quan chức năng không thể chăm sóc người già, phụ nữ có thai hay thậm chí cả người đã chết”.

Tuần trước, một lá đơn nghỉ việc của một nhân viên y tế khác trong Ủy ban khu phố cũng trình bày sự thất vọng và lo lắng mà họ phải đối mặt.

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người dân tại Thượng Hải. (Ảnh: SCMP).

Ông Wu Yingchuan, người lãnh đạo công việc kiểm soát COVID tại một cộng đồng trong thành phố, cho biết nhân viên y tế không được đảm bảo nhu cầu cơ bản hàng ngày. Việc ăn trưa nhanh bằng mì gói là điều bình thường, và một số nhân viên y tế đã không tắm trong 15 ngày.

Hôm 13/4, một cuộc trò chuyện WeChat bị rò rỉ lan truyền trên mạng tuyên bố rằng ông Qian Wenxiong, một cán bộ y tế Thượng Hải, đã tự sát vào đầu tuần này. Ngày hôm sau, nhà chức trách Thượng Hải xác nhận cái chết của ông Qian và trong một tuyên bố riêng biệt phủ nhận việc vợ ông Qian cũng tự sát.

Lãnh đạo mất cơ hội thăng tiến

Chiến dịch chống COVID của Thượng Hải không chỉ khiến các nhà lãnh đạo thành phố xấu hổ mà còn ảnh hưởng tới cơ hội thăng tiến. 

Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đến gần. Theo truyền thống, các cán bộ hàng đầu của Thượng Hải thường được lựa chọn để đưa lên những những vị trí cao hơn trong Đảng.

Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường phát biểu tại Đại hội Nhân dân toàn quốc năm 2017. (Ảnh: Reuters).

Trong những năm qua, nhiều nhà lãnh đạo có mối quan hệ với Thượng Hải đã đạt đến đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc. Bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã trải qua 7 tháng ở Thượng Hải với tư cách là Bí thư vào năm 2007 và Phó Thủ tướng thứ nhất Hàn Chính, danh sách này còn có cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu thủ tướng Chu Dung Cơ.

Ông Gu Su, một nhà phân tích chính trị từ Đại học Nam Kinh cho biết Thượng Hải sẽ vẫn là bước đệm quan trọng cho bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào.

Ông Gu cho biết tầm quan trọng của Thượng Hải ngày càng tăng vì đây không chỉ là trung tâm chính của Đồng bằng sông Dương Tử giàu có mà còn là một trong số ít thành phố có thể bù đắp cho sự thiếu hụt kinh tế ở các vùng khác.

Ông Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết vẫn còn quá sớm để xác định tác động chính trị từ sự bùng phát COVID ở Thượng Hải. Ông chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo khác của Thượng Hải cũng đã được thăng cấp lên các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng mặc dù dính phải những sự cố đáng lo ngại.

Ông Wu cũng cho biết rằng kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, nhiều “quy tắc cũ” trong việc đề bạt cán bộ đã bị phá vỡ, khiến việc dự đoán đội ngũ lãnh đạo mới trở nên khó khăn.

Ông Wu nói: “Nhiều quy tắc thăng chức như tuổi nghỉ hưu đã thay đổi trong thời đại của ông Tập, vì vậy rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra với [lãnh đạo cấp cao của Thượng Hải]”.

Bất ổn liệu có kéo dài?

Ông Zhan Jiang, giáo sư báo chí và truyền thông đã nghỉ hưu tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh, cho biết khi Trung Quốc tuân thủ chính sách “Zero COVID” nghiệm ngặt, việc mọi người “nói lên những lo lắng và sợ hãi được chia sẻ rộng rãi là một hiện tượng rất bất thường”.

Tuy nhiên, ông Chen Daoyin, một nhà khoa học chính trị và cựu giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho rằng việc mọi người phản ứng với chính sách “Zero COVID” sẽ không có khả năng đe dọa nghiêm trọng đến sự kiểm soát của chính phủ.

“Khi các nhà lãnh đạo có quan điểm đa dạng đã biến mất trong những năm gần đây, công chúng không có nhu cầu chính trị chung, ngoại trừ việc đáp ứng những yêu cầu hàng ngày. Trong lúc này, người dân có thể đói ăn nhưng họ không chết đói”, ông nói.

Một người dân Thượng Hải yêu cầu được giấu tên cho biết: “Người Trung Quốc sẽ không gây ra bất ổn xã hội miễn là họ được cho ăn, nhưng vấn đề là hiện tại một số người không được ăn uống đầy đủ”.

Minh Quang