|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phòng chống dịch COVID-19: Yêu cầu khai báo sức khỏe toàn dân chậm nhất từ sáng 10/3

20:44 | 08/03/2020
Chia sẻ
Khai báo sức khỏe toàn dân được coi là một trong những biện pháp quan trọng trong giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, sau khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện.

Theo tin từ Báo Chính phủ, sáng 8/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cho rằng trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã thắng trong giai đoạn đầu và nhất định Việt Nam phải chiến thắng cả cuộc chiến này.

Giai đoạn 2 của cuộc chiến bắt đầu khi ca dương tính thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu vì dịch đã lan ra hơn 100 nước. Việt Nam phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. COVID-19 đã xâm nhập vào nước ta, “đang âm thầm mai phục”. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống, ngay cả khi có hàng nghìn ca nhiễm. Vì vậy, những ngày tới đây nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ.

Phòng chống dịch COVID-19: Yêu cầu khai báo sức khỏe toàn dân chậm nhất từ sáng 10/3 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ.

Phó Thủ tướng nêu vấn đề: Chúng ta đã có chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu mọi cơ sở khám chữa bệnh tổ chức cách li người bệnh ngay từ khi đến khám nếu có các biểu hiện như sốt, ho nhưng rõ ràng mấy ngày qua đã có bệnh viện không thực hiện. Do vậy phải làm rõ trách nhiệm thuộc về cấp nào, thuộc về ai để xử lí nghiêm theo qui định.

Phó Thủ tướng đề nghị phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo người Việt Nam, hạn chế tối đa người Việt Nam đi ra nước ngoài hoặc qua nước đã có người nhiễm COVID-19, chỉ đi khi thực sự cần thiết, và phải được trang bị đầy đủ kiến thức để đảm bảo trước lúc đi, khi ở nước ngoài, sau khi về Việt Nam đều an toàn.

Về nhập cảnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã thảo luận và thống nhất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh; với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày cũng đề nghị tạm dừng; từ chối cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có các triệu chứng, yếu tố dịch tễ theo qui định.

Chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ mà cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. 

Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo qui định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lí chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ toàn dân trên toàn quốc.

Cập nhật đến chiều tối nay 8/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 30 ca dương tính với COVID-19. Trong số này có 16 ca đã được điều trị khỏi và xuất viện, 14 ca còn lại đều được phát hiện trong vòng 3 ngày gần đây. 

Bệnh nhân đầu tiên trong giai đoạn 2 của dịch COVID-19 tại Việt Nam là một phụ nữ 26 tuổi tên N.H.N thường trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Bệnh nhân N.H.N trở về Hà Nội sau khi đi du lịch Italy, Pháp và Anh. Trước khi lên máy bay, bệnh nhân này đã có biểu hiện ho, đau mỏi người nhưng không khai báo đầy đủ với lực lượng chức năng tại sân bay.

Bác ruột, lái xe của N.H.N và 10 người (trong đó có 9 người nước ngoài) đi cùng chuyến bay với N.H.N về Hà Nội đều đã được xác định dương tính với COVID-19.

Y Vân