|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Thủ tướng: Làm rõ Big C có phân biệt hàng Việt trên đất Việt không

20:47 | 04/07/2019
Chia sẻ
Từ vụ việc Big C ngừng nhập hàng Việt, Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra làm rõ xem có việc phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của mình.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều nay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến vụ việc siêu thị BigC ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam, gây băn khoăn, lo lắng cho các DN.

avatar_1562247890109

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình

“Tôi đề nghị Bộ Công thương kiểm tra làm rõ xem có việc phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của mình không. Đây là vấn đề đã được dư luận cảnh báo từ trước”, Phó Thủ tướng nói.

Trước đó, ngày 2/7, tập đoàn Central Group (TP.HCM) - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị BigC Việt Nam gửi thông báo đến các đối tác nêu rõ: “Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo hợp đồng hợp tác thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam”.

Central Group lý giải, việc làm này nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam.

Chiều qua, hàng chục DN may mặc trong nước giăng băng-rôn biểu tình trước trụ sở văn phòng đại diện Central Group tại TP.HCM do siêu thị bất ngờ ngừng nhập hàng dệt may của DN Việt.

Nhiều DN cho biết, để có hàng giao cho BigC, nhà cung cấp chuẩn bị hàng trước từ 3-6 tháng. Hiện tại kho hàng còn tồn đọng vải vóc, nguyên phụ liệu rất nhiều.

Chống gian lận xuất xứ để bảo vệ hàng xuất khẩu của Việt Nam

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện nay Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xu thế bảo hộ thương mại.

Vì vậy cần tập trung các giải pháp duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN..., kịp thời hóa giải những nguy cơ dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Việt Nam với các thị trường lớn.

Đặc biệt, ông lưu ý cần tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Phó Thủ tướng: Làm rõ Big C có phân biệt hàng Việt trên đất Việt không - Ảnh 2.

Các bộ trưởng dự hội nghị. Ảnh: VGP

“Chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng thông tin, làn sóng đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ để hưởng lợi thế từ các FTA. Việt Nam đang có sức hút rất mạnh với nhà đầu tư trên thế giới.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc chuyển tải hàng hóa và nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị áp thuế thương mại từ các đối tác.

“Câu chuyện Mỹ áp thuế với mặt hàng thép Việt Nam không phải nằm ở vấn đề thép có xuất xứ Trung Quốc mà lại từ các nước khác như Hàn Quốc... cũng là đối tượng đánh thuế của Mỹ. Vì vậy nguy cơ đặt ra là nguy cơ kép chứ không phải chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Công thương nói.

Ông thông tin thêm, trước kia Mỹ chấp nhận nhưng hiện nay không chấp nhận vì cho rằng quá trình nhập thép cán nóng từ các quốc gia khác về Việt Nam chuyển đổi không đáng kể nên áp thuế tới hơn 400%.

Bộ trưởng Công thương cảnh báo “nguy cơ các mặt hàng tăng trưởng nóng của Việt Nam xuất qua thị trường Mỹ rất nhiều và Bộ đã có đề án báo cáo Chính phủ”.

Không thể biến Việt Nam thành chỗ không phải hàng Việt mà dán mác Việt 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ ngành, từng địa phương, DN thấy các vi phạm trong thương mại phải xử lý nghiêm.

Thủ tướng cho biết hội nghị lần trước, ông đã chủ động nhắc các địa phương, các ngành nhưng một số DN, kể cả DN FDI và không phải FDI mà đội lốt, một số ngành chức năng mất cảnh giác nên dẫn đến tình trạng gần đây một số mặt hàng bị đánh thuế lên cao.

Phó Thủ tướng: Làm rõ Big C có phân biệt hàng Việt trên đất Việt không - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

"Cách đây ít phút tôi đã ký đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Bộ Công thương, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm việc này và cương quyết xử lý nghiêm theo pháp luật nếu vi phạm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, các địa phương như TP.HCM, Hà Nội càng làm mạnh vấn đề này.

"Anh không thể biến Việt Nam thành chỗ buôn lậu ma túy, không thể biến Việt Nam thành chỗ không phải hàng Việt Nam mà dán nhãn hàng Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu Hằng