|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Quay lưng với Big C hay doanh nghiệp Việt phải thay đổi chính mình?

14:22 | 06/07/2019
Chia sẻ
Việc Big C ngừng nhập hàng may mặc Việt với lý do tái cơ cấu mô hình kinh doanh như một hồi chuông cảnh tỉnh, buộc các doanh nghiệp trong nước để nâng cao chất lượng sản phẩm và làm chủ kênh phân phối để tránh rủi ro.

Sự việc Tập đoàn Central Group Việt Nam tạm ngừng nhập các mặt hàng dệt may Việt vào chuỗi siêu thị Big C đã gây lên những phản ứng trái chiều.

Mặc dù đại diện Central Group Việt Nam lý giải việc tạm ngừng là để xem xét lại mô hình kinh doanh để hướng đến phân khúc sản phẩm chất lượng hơn, nhưng một luồng ý kiến cho rằng đây là động thái nhằm đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị Big C.

Thậm chí, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law cho rằng, Big C đang xem nhẹ văn hóa kinh doanh và bỏ qua vấn đề “nhập gia tùy tục”, vi phạm những chuẩn mực trong kinh doanh và gây thiệt hại đến các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam.

"Hành động của Big C chẳng khác nào đang tuyên chiến với người tiêu dùng Việt Nam. Nếu người Việt Nam quay lưng, Big C sẽ phải trả giá rất lớn cho việc làm của mình", ông Tú nhận định.

Bên cạnh những phản ứng tiêu cực kêu gọi tẩy chay Big C, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo, chính xác và khách quan hơn.

Thực tế cho thấy, nguồn cung cho các nhà bán lẻ lớn của cả Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài phần lớn là hàng Việt Nam, chiếm khoảng 60 - 90%. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy hầu như không có nhà bán lẻ nước ngoài lớn nào chỉ kinh doanh hàng nước mình hoặc hàng nhập mà không chú trọng hàng hóa của nước họ đang đầu tư.

Thậm chí, hàng nội địa còn luôn có tỉ lệ cao hơn so với hàng của nước chủ sở hữu hoặc hành nhập, bởi đây không phải chỉ là ý muốn chủ quan của doanh nghiệp bán lẻ mà còn do yêu cầu khách quan của thị trường, cụ thể là nhu cầu đòi hỏi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo bà Loan, trong những năm gần đây, người tiêu dùng trong nước đã có ý thức rất cao trong việc sử dụng các sản phẩm chất lượng, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất trong nước phải nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giá thành hợp lý.

Chiếm được trọn niềm tin của người tiêu dùng trong nước một cách thuyết phục và bền vững mới là điều quan trọng nhất các doanh nghiệp phải thực hiện. Nói cách khác, việc Big C ngừng nhập các mặt hàng may mặc Việt như một hồi chuông cảnh tỉnh giúp doanh nghiệp trong nước cố gắng tự thay đổi mình, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Quay lưng với Big C hay doanh nghiệp Việt phải thay đổi chính mình? - Ảnh 1.

Chuỗi siêu thị Big C hiện có khoảng 4.000 nhà cung ứng, trong đó có 200 nhà cung cấp hàng may mặc.

Trước đó, Central Group đã gửi thông báo đến các đối tác Việt Nam về việc siêu thị Big C này sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp trong nước kể từ tháng 7/2019.

Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên được Central Group lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan. Thông báo này được gửi đi vào tối 2/7, đến sáng 3/7, Big C đã thực hiện trả hàng khiến nhà cung cấp không kịp trở tay.

Trước động thái này của BigC, chiều 3/7, hàng trăm chủ doanh nghiệp dệt may Việt đã tập trung tại văn phòng đại diện Central Group Việt Nam tại TP. HCM căng băng rôn phản đối.

Mặc dù ngay sau đó, đại diện truyền thông Central Group đã khẳng định việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời, Big C Việt Nam không dừng hoạt động kinh doanh của các sản phẩm hàng may mặc Việt Nam, song phản hồi này từ Central Group vẫn không đủ sức "xoa dịu" dư luận.

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại động thái này sẽ khiến hàng loạt các sản phẩm của Việt Nam từng bước "mất chỗ đứng" trong các siêu thị của nước ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập, đẩy các doanh nghiệp Việt rơi vào khó khăn. Cửa vào siêu thị của doanh nghiệp Việt đang hẹp dần nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.

Tuy nhiên, theo bà Loan, sắp tới khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ đưa xuống mức thuế quan 0%. Thị trường Việt Nam sẽ có sự tham gia của hàng hóa nhiều nước, khó khăn đối với các doanh nghiệp bán lẻ sẽ còn khốc liệt hơn nhiều.

Các nhà bán lẻ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để có thể đáp ứng được đòi hỏi mới của thị trường cũng như cạnh tranh hiệu quả với hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài, tránh việc "thua ngay trên sân nhà".

Để làm được điều này, bà Loan cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện ba vấn đề lớn.

Thứ nhất, đối với nhà bán lẻ, quan điểm nhất quán vẫn là phải phục vụ người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng là trung tâm. Các nhà bán lẻ Việt Nam phải nâng cao năng lực, đổi mới mô hình, cách thức hoạt động của mình để phù hợp với tình hình mới.

Theo bà Loan, hiện doanh nghiệp bán lẻ trong nước gặp nhiều khó khăn như quy mô nhỏ, phát triển sau, nguồn lực tài chính hạn chế. Ngoài ra còn phải đối mặt với những vấn đề như chất lượng nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp chưa cao; hậu cần cho bán lẻ vẫn yếu kém chi phí cao cho hệ thống kho bãi, vận tải, làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn thấp, trong khi đây lại là thế mạnh của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Do đó, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong bán lẻ là một đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Thứ hai, để hàng hóa Việt cạnh tranh thành công với hàng hóa nước ngoài thì không chỉ có sự nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ, mà còn phải bắt đầu từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức, ứng dụng công nghệ hiện đại để sao cho chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng nội địa. Hàng hóa tốt, hệ thống phân phối tốt mới thành công được.

Thứ ba là vấn đề cạnh tranh. Sau khi Việt Nam ký kết các FTA thế hệ mới, nhiều dự báo cho thấy hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam. Một thị trường 95 triệu dân với mức thuế quan nhiều mặt hàng về 0% chắc chắn có sức hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài.

Song mức độ tràn vào của hàng hóa ngoại như thế nào còn do sự tính toán và cân nhắc của chính các doanh nghiệp nước ngoài, bởi không phải thị trường nào họ cũng sẵn sàng mạnh tay đầu tư.

Thời gian tới hàng Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập. Ở góc độ nào đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tự hoàn thiện mình, cải thiện chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá thành để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh hơn, bà Loan nhận định.

Ngay như đối với các nhà cung cấp cho Big C, sau khi đại diện Central Group làm việc với Bộ Công thương, cũng chỉ có 50 nhà cung cấp hàng dệt may ngay lập tức được tiếp tục cung ứng và có thêm 100 nhà cung cấp sẽ được xem xét trong hai tuần tiếp theo.

Đại diện Central Group khẳng định, đối với 50 nhà cung cấp còn lại sẽ mất nhiều thời gian xem xét để xem chất lượng có đáp ứng được yêu cầu của Big C hay không. Nghĩa là, nếu những doanh nghiệp này không thoả mãn được những tiêu chí của Big C thì hoàn toàn có nguy cơ bị loại khỏi các kệ hàng của chuỗi siêu thị nước ngoài này.

Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Central Group Việt Nam, trong đó sẵn sàng giới thiệu những nhà cung cấp hàng may mặc chất lượng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

An Chi

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.