Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu một cảng nước sâu cho vùng ĐSBCL
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ |
Ngày 22/8, tại Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của vùng còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ và phát triển mất cân đối, đang ảnh hưởng lớn tới tiềm năng và sự phát triển của vùng.
Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc thực hiện Nghị định 15 của Chính phủ về cơ chế hợp tác công tư (PPP) bộc lộ nhiều bất cập nên ảnh hưởng tới việc huy động nguồn vốn cho phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics của ĐBSCL. Do đó, Phó Thủ tướng cho biết cần phải có Luật về hợp tác công-tư, bảo đảm sự minh bạch, rạch ròi trong PPP hay BOT với mức độ đầu tư cao hơn, nhất là trong lĩnh vực logistics và không nên dựa quá nhiều vào ngân sách của Nhà nước.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ GTVT, KH&ĐT, Tài chính căn cứ đề xuất trong Đề án huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và logistics của vùng, phối hợp với các tỉnh rà soát công trình có tính chất liên vùng để đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 theo thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực Nhà nước gồm các nguồn ODA, trái phiếu Chính phủ, ngân sách đầu tư công tập trung, các chương trình mục tiêu... để giải quyết hạ tầng cho vùng, trình Chính phủ cho ý kiến.
Qua báo cáo và ghi nhận ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng nêu ra các công trình trọng yếu cần thu xếp đầu tư gồm: Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện QL (Quốc lộ) 60 qua Trà Vinh - Sóc Trăng tổng vốn đầu tư 1.142 tỷ đồng, sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ; cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh-Sóc Trăng giá trị hơn 8.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA; cầu Rạch Miễu 2 giá trị 3.700 tỷ đồng đã đàm phán vay vốn Hàn Quốc; dự án nâng cấp QL91C kết nối với Campuchia đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ; mở rộng tuyến QL1 đoạn Cà Mau - Năm Căn; cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang - Vĩnh Long bằng vốn ODA của Nhật Bản; tuyến nối thành phố Vị Thanh đi Bạc Liêu.
Ngoài ra tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ đang bế tắc trong triển khai thì phải rà soát lại nhà đầu tư BOT về năng lực.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị thu hút nhà đầu tư logistics vào vùng và công bố các chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tìm được các nhà đầu tư chiến lược vào vận tải cho vùng.
Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế và chính sách đủ mạnh thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào vùng ĐBSCL như cơ chế đặc thù cho phát triển hạ tầng và cả vận tải, logistics, chính sách thuế, thu tiền sử dụng đất...
Đối với cảng biển nước sâu của vùng - lối ra cho hàng hóa xuất khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đặt ra phương án nghiên cứu một cảng nước sâu, trong đó có vị trí cảng Hòn Khoai tại Cà Mau. Theo Phó Thủ tướng, nếu chỉ nạo vét luồng lạch cho tàu biển thì sẽ tốn kém và khó kiểm soát hiệu quả của công việc
Đồng thời lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị ngành hàng không quan tâm mở rộng năng lực khai thác của Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, có tính đến các nhu cầu phát triển “nóng” trong ngành này thời gian tới.
Theo kế hoạch đầu tư trung hạn kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL được Bộ GTVT trình tại hội nghị, giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư hơn 91.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước hơn 28.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA và xã hội hóa) cho các dự án hạ tầng giao thông và logistics trên địa bàn.