Phó thủ tướng: “Các nước thành viên đều muốn giữ TPP”
|
“Tại hội nghị cấp cao APEC vừa qua, diễn ra tại Peru, các nước đã nhất trí tổ chức trao đổi về TPP và dự kiến tổ chức hội nghị bộ trưởng về TPP tại Đà Nẵng tháng 11/2017”, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ với báo giới trong những ngày đầu năm mới 2017.
Định hướng thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như tiến trình hội nhập của Việt Nam... thời gian tới cũng là những nội dung quan trọng được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu trong cuộc trao đổi này.
Cùng với các bộ ngành khác, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã có những đóng góp tích cực trong việc thu hút ODA vào Việt Nam. Thưa Phó thủ tướng, với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA, trong bối cảnh vốn ODA giảm, vốn thương mại tăng, chúng ta sẽ có những biện pháp như thế nào trong thời gian tới?
Phải khẳng định nguồn vốn ODA trong những năm qua đóng góp hết sức tích cực vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát tiển kinh tế, đặc biệt là vấn đề xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các nguồn lực bên ngoài đóng góp rất hiệu quả trong việc thực hiện các dự án, kể cả xây dựng hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, khi trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng như các định chế tài chính khác sẽ chấm dứt theo quy định. Vừa qua, chúng ta đã vận động để việc “tốt nghiệp” không tạo ra “cú sốc” mà cần có giai đoạn chuyển tiếp nhất định.
Trước đây, nguồn vốn ODA được thực hiện theo cơ chế cấp phát, nghĩa là vay và cấp phát cho các dự án. Hiện nay, chúng ta tăng dần tỷ lệ cho vay lại để nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn ODA của các bộ, ngành và địa phương.
Về cơ bản, nguồn vốn ODA được sử dụng hiệu quả nhưng cũng có những dự án chưa sử dụng hiệu quả, thời gian kéo dài, làm đội chi phí có khi lên đến vài chục phần trăm, trong khi đây là nguồn vốn vay phải trả lãi suất.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã quyết liệt tổ chức các cuộc họp hàng tháng nhằm đôn đốc việc xử lý nhưng đồng thời phải tăng cường trách nhiệm của các chủ dự án, các bộ ngành địa phương. Vướng mắc lớn nhất của một số dự án là giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng của chúng ta. Ban Chỉ đạo đang tập trung xử lý để làm sao dự án không bị kéo dài.
Cùng với ODA, FDI cũng được coi là nguồn lực quan trọng đối với Việt Nam. Ngành ngoại giao đã thực hiện những giải pháp gì để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đẩy mạnh quan hệ thương mại với các nước trong bối cảnh 2016 được xem là năm sáng tạo?
Sáng tạo đòi hỏi phải có suy nghĩ sáng tạo, biện pháp sáng tạo và có hành động cụ thể để thực hiện. Nhưng cái gì bất biến vẫn phải giữ nguyên. Nguyên tắc của chúng ta là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa.
Sáng tạo là trong cách thức, suy nghĩ để thực hiện đường lối đối ngoại một cách linh hoạt nhất phù hợp với lợi ích quốc gia dân tộc. Sáng tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải huy động nguồn lực bên ngoài phù hợp với lợi ích của chúng ta, phù hợp với nhu cầu của các nước.
Chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Do đó, khi vận động phải hướng các nhà đầu tư vào các lĩnh vực sáng tạo, khởi nghiệp. Đây là điều khó nhưng phải tập trung thực hiện, phải có sự tìm tòi suy nghĩ.
Có giai đoạn, các nhà đầu tư bên ngoài hướng vào những ngành công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều nhân lực, điện năng, nguyên liệu, hay tập trung vào bất động sản. Bây giờ chúng ta hướng họ kết hợp doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy khởi nghiệp cho doanh nghiệp trong nước.
Như Thủ tướng chia sẻ, đẩy mạnh thương mại với các nước cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngoại giao. Với việc ông Donald Trump tuyên bố từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông nhận định như thế nào về tương lai của hiệp định này?
TPP là hiệp định của 12 nước thành viên tham gia xây dựng, đàm phán trong 6 năm với 35 phiên chính thức, 5 cuộc họp cấp cao, 15 hội nghị bộ trưởng và 200 cuộc đàm phán giữa kỳ và song phương.
Hiệp định TPP đã chính thức được ký tại New Zealand ngày 4/2/2016. Đó là quá trình thương lượng lâu dài, nghiêm túc và quyết liệt để đi đến ký kết, là thành quả chung của 12 nước, thể hiện lợi ích của 12 nước.
Cho đến nay, cả hai viện của Nhật Bản đã thông qua, Singapore dự kiến phê chuẩn TPP trong tháng 1/2017, New Zealand đã hoàn tất thủ tục nội bộ để trình Quốc hội phê chuẩn, Brunei cho biết sẽ phê chuẩn TPP vào tháng 3/2017...
Điều này cho thấy, các nước thành viên đều muốn giữ TPP. Tại hội nghị cấp cao APEC vừa qua, diễn ra tại Peru, các nước đã nhất trí tổ chức trao đổi về TPP và dự kiến tổ chức hội nghị bộ trưởng về TPP tại Đà Nẵng tháng 11/2017.
Về phía Việt Nam, chúng ta cũng đã có quyết định tham gia ký TPP và chúng ta có các thủ tục để phê chuẩn TPP. Tôi tin đây là hiệp định bảo đảm các lợi ích của các nước tham gia.
Ngoài 10 FTA song phương và đa phương đã ký kết, Việt Nam còn tham gia đàm phán các hiệp định khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), Hiệp định Thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quan điểm chúng ta là tiếp tục hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.