Phó Thống đốc nói gì về việc NHNN liên tục mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối
Trong 4 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào 8,5 tỉ USD đưa dự trữ ngoại hối lên trên 65 tỉ USD. Nhận định về động thái này của NHNN, chuyên gia Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu & Quản lí Kinh tế Trung ương cho biết "khả năng bơm hút tiền của NHNN rất tốt".
Việc tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ từ đầu năm đến nay là một yếu tố giúp tăng khả năng chống chọi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, NHNN mua ngoại tệ đồng nghĩa với việc cung một lượng tiền lớn ra thị trường và sau đó thực hiện hút tiền về bằng kênh thị trường mở (OMO) và phát hành tín phiếu.
Ông cho rằng việc phát hành tín phiếu có điểm không tốt bởi vì NHNN tốn chi phí trả lãi và nó sẽ hạn chế sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính nói chung.
Nói về việc NHNN phát hành tín phiếu kho bạc để hút tiền về, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết khi NHNN mua vào ngoại tệ sẽ cung tiền đồng ra thị trường và cách thức hút tiền về như thế nào là sự khéo léo của NHNN. Và khi hút về bằng hình thức phát hành tín phiếu thì NHNN phải trả lãi suất.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng (Nguồn: TBKTSG).
"Đằng sau quyết định này, NHNN đã phải cân nhắc khá kỹ lưỡng và phối hợp rất nhuần nhuyễn", bà chia sẻ.
Phó Thống đốc cho biết trong thời gian qua dự trữ ngoại hối tăng rất ấn tượng về giá trị tuyệt đối, nhưng độ mở cửa nền kinh tế rất lớn, hoạt động xuất nhập khẩu/GDP hơn 200%, riêng nhập khẩu là khoảng 100% GDP. Điều đó cho thấy sản xuất trong nước phụ thuộc lớn vào nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu.
Do vậy, việc tích lũy dự trữ ngoại hối là hết sức cần thiết để đảm bảo ổn định thị trường nhất là đối với thị trường ngoại hối của Việt Nam, không chỉ chịu tác động về kinh tế mà còn chịu tác động rất lớn bởi tâm lý thị trường.
Ngoài ra việc có thể thực hiện thay đổi dự trữ bắt buộc với các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên điều này là khó khả thi do điều kiện cơ cấu, tình hình thanh khoản và đặc thù hoàn cảnh của các ngân hàng đều đang trong quá trình tái cơ cấu.
"Do đó, việc phát hành tín phiếu được sử dụng và khá linh hoạt do đây là công cụ đấu thầu, cho các TCTD linh hoạt, vừa có thể hút tiền về nhưng không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất", bà nói.