Cùng vẽ bức tranh ngân hàng Việt trong 5 năm tới
Sáng nay (8/5), tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019: "Để ngân hàng Việt vươn xa", Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia nhận định rằng năm 2018 là một năm thành công của ngành ngân hàng được sự ghi nhận của nhiều tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế.
Việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã góp phần tích cực đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo nền tảng quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại diễn đàn (Nguồn: TBKTSG).
"NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế", Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Tham luận trong diễn đàn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực và ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu & Quản lí Kinh tế Trung ương cùng quan điểm cho rằng hiện nay, chính sách tiền tệ đang gánh quá nặng so với chính sách tài khoá.
"Những gói hỗ trợ lãi suất, gói ưu đãi, hỗ trợ tín dụng cơ bản là nhiệm vụ chính sách tài khoá vì một phần trong đó là tiền ngân sách nhưng hiện nay lại nằm ở chính sách tiền tệ", ông Lực nói
Ông Lực cho biết hệ thống ngân hàng đang phải gánh hiệm vụ cung ứng vốn trung dài hạn thay cho thị trường vốn. Hiện nay cho vay vốn trung và dài hạn chiếm khoảng 50-60%, đang đè nặng lên hệ thống NH, trong khi bản chất của NHTM chỉ là cho vay ngắn hạn. Do vậy, về dài hạn, cần phải nâng cao vai trò của thị trường vốn.
Các diễn giả trao đổi trong diễn đàn (Ảnh: Diệp Bình).
Ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN chia sẻ chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ có tác động lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Cần có sự kết hợp giữa các chính sách để đạt được kết quả như mong muốn. Ông cũng cho biết những năm gần đây do trần nợ công dư địa chính sách tài khoá giảm đi và vai trò chính sách tiền tệ ngày càng lớn.
Bức tranh ngân hàng Việt trong 5 năm tới
Về chiến lược ngành ngân hàng trong 5 năm tới, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện chiến lược ngân hàng cho biết hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra các mục tiêu cụ thể cho 2 giai đoạn:
Giai đoạn 2018 - 2020: Phấn đấu đến năm 2020 các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II; có ít nhất từ 1 - 2 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu các NHTM; đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lí).
Giai đoạn 2021 – 2025: Tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài; tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 16-17%; nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD dưới 3%.
Theo bà để đạt được các mục tiêu nêu trên, ngành ngân hàng Việt Nam cần lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính cả về qui mô, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống. Cùng với đó là nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động; đổi mới hoạt động theo xu thế mới; hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ các ngân hàng.
Nhận định về những thách thức của ngân hàng Việt trong thời gian tới, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quốc tế đang chững lại thì Việt Nam là môi trường có tiềm năng.
"Ngân hàng Việt đang ở trong thị trường có tiềm năng phát triển tốt, rất nhiều ngân hàng nước ngoài vẫn đang xếp hàng chờ để đầu tư tại Việt Nam", ông nói.
Tuy nhiên, các ngân hàng Việt hiện nay lại dựa chủ yếu về cạnh tranh về giá hơn là thế mạnh của mình. Ông đưa ra ví dụ điển hình về HSBC, trước đây ngân hàng phát triển đồng thời ở nhiều mảng khác nhau ở nhiều địa bàn nhưng sau đó, HSBC đã bán mảng bán lẻ của HSBC để tập trung phát triển vào thế mạnh của ngân hàng là mạng lưới toàn cầu.
Ông cho rằng các ngân hàng Việt cần tìm câu trả lời cho câu hỏi "thế mạnh cạnh tranh của mình là gì? để có thể tìm được hướng đi đúng.
Tín dụng xanh - Xu hướng của tương lai
Phát biểu trong diễn đàn PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ thông tin về một xu hướng của tương lai là tín dụng xanh.
Bà Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - PNgân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (Nguồn: TBKTSG).
Việt Nam mới hình thành khái niệm tín dụng xanh khoảng 10 năm trong khi đã khoảng 100 năm trên thế giới và nếu xét về cấp độ trong Mô hình ngân hàng xanh - Kaeufer (gồm 5 cấp độ) thì Việt Nam hiện đang ở cấp độ 3.
Năm 2018, điều tra của chúng tôi cho thấy, hầu hết lãnh đạo ngân hàng hiểu rõ về mức độ ưu tiên và ngành nghề, lĩnh vực xanh tại Việt Nam. Nhưng thực tế, có tới 60% doanh nghiệp chưa bao giờ đề xuất vay vốn ngân hàng xanh do họ chưa biết có chính sách thúc đẩy đầu tư xanh từ phía NHTM.
Trên cơ sở đó, bà Tú kiến nghị, Việt Nam nên tiếp cận từ trên xuống, trong đó Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, thông qua hệ thống ngân hàng đầu tư vào dự án xanh.
Cùng với đó, cần xây dựng chiến lược, danh mục đầu tư xanh để gợi ý cho doanh nghiệp. Định chế tài chính lớn cần thực hiện trước, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình này.