Điều hành chính sách tiền tệ góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia
Trong bức tranh đó nổi bật những gam màu sáng như mặt bằng lãi suất, tỷ giá về cơ bản ổn định mặc dù xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới; tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục đạt những kết quả quan trọng; ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ (CMCN 4.0) cùng với cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh các chương trình giáo dục tài chính nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần phát triển tài chính toàn diện.
TBKTSG Online đã có cuộc trao đối với Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2018 với những dấu ấn quan trọng góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia.
TBKTSG Online: Thưa bà Nguyễn Thị Hồng, có thể nói, năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trong điều hành CSTT của NHNN được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Bà có thể chia sẻ về những gì mà điều hành CSTT đã làm được trong năm 2018?
- Bà Nguyễn Thị Hồng: Trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới năm 2018 có nhiều thách thức và biến động phức tạp, NHNN đã chủ động, linh hoạt điều hành CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, qua đó thu được những kết quả tích cực.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN.
Theo đó, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm điều tiết và hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kiểm soát lạm phát; tạo nền tảng cơ bản để các TCTD cho vay với lãi suất hợp lý, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Kết quả, mặc dù lãi suất các nước trên thế giới thời gian qua đang có xu hướng gia tăng, NHTW nhiều nước có xu hướng từng bước chuyển dần sang việc thực thi CSTT thắt chặt nhưng mặt bằng lãi suất trong nước về cơ bản được duy trì ổn định. Việc đạt được kết quả nêu trên là một nỗ lực lớn của toàn ngành ngân hàng.
NHNN đã điều hành chính sách lãi suất một cách linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường, giữ mặt bằng lãi suất tương đối ổn định để tạo điều kiện đảm bảo nguồn vốn cho kinh doanh sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng tăng phù hợp với mục tiêu, cơ cấu tín dụng theo đồng tiền diễn biến phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển dần từ quan hệ gửi - vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn tín dụng chung và tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có xu hướng tăng chậm lại.
Đối với thị trường ngoại tệ, dù có nhiều áp lực từ thị trường quốc tế nhưng tỷ giá trong nước vẫn tương đối ổn định, đặc biệt khi so với mức độ mất giá của các đồng tiền mới nổi và đang phát triển, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời và NHNN mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, môi trường kinh doanh được cải thiện mà Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế uy tín nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, cải thiện hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Thưa bà, thời gian qua, hoạt động thanh toán cũng có những chuyển biến quan trọng. Bà có thể cho biết rõ hơn về những thay đổi đó?
- Trong hoạt động thanh toán, ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ (CMCN 4.0), qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Những phương thức TTKDTM và hỗ trợ của công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. Người dân đã quen dần với việc sử dụng các phương tiện TTKDTM và mang lại lợi ích thiết thực; nhận thức trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán, bảo vệ thông tin cá nhân... ngày càng tăng. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
NHNN đã tham mưu Chính phủ ký Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán ngân hàng đối với các dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội.
Cũng trong năm 2018, NHNN đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa (tại Quyết định 1927/QĐ-NHNN ngày 05-10-2018) và Bộ Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” (Quyết định 1928/QĐ-NHNN ngày 05-10-2018) làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng cường an toàn, bảo mật và tiện ích cho khách hàng trong thanh toán.
Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được ngành ngân hàng triển khai ra sao sau khi có Đề án 1058 về tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, và Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, thưa bà?
- Năm 2017, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD được Quốc hội thông qua, với mục tiêu pháp điển hoá những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Bên cạnh đó, Nghị quyết hướng tới xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD, tạo cơ chế đồng bộ, khả thi, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của TCTD; Các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Tiếp đó, ngày 19-7-2017, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, quyết liệt của ngành ngân hàng và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau một thời gian thực hiện, Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả bước đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD.
Quá trình đi vào thực tiễn tuy chưa dài, nhưng những định hướng chính sách vĩ mô, giải pháp tháo gỡ trong 2 văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020.
Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu có những chuyến biến tích cực. Năng lực tài chính của các TCTD, công tác quản trị, thanh tra giám sát ngành Ngân hàng được nâng cao. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Trong năm 2018, nợ xấu đã được xử lý được một bước quan trọng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã giảm mạnh.
Cụ thể, ước tính đến cuối tháng 12-2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149,22 ngàn tỉ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính. Ngành ngân hàng là một trong những cơ quan đi đầu, vậy bà có thể cho biết về một số chính sách, giải pháp mà ngành ngân hàng đã triển khai nhằm tạo điều kiện cho người dân doanh nghiệp trong tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng?
- Trong năm 2018, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2018 và dành ưu tiên rất lớn cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp; đồng thời, có rất nhiều chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Thống đốc và Ban lãnh đạo NHNN tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng bằng nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt.
Ước tính đến cuối tháng 12-2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149,22 ngàn tỉ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Cụ thể: NHNN đã ban hành và chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai nghiêm túc, quyết liệt kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 và chương trình hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năm 2018 và những năm tiếp theo.
Qua đó,nhiều nhóm giải pháp quan trọng được ngành Ngân hàng tập trung triển khai mạnh mẽ, như: Cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN, TCTD...
Bên cạnh đó, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng và ban hành Thông tư số 17/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan, với kết quả đã cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 80 trên tổng số 257 điều kiện thuộc các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Nếu tính cả quá trình cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 từ năm 2010 đến nay và kết quả cắt giảm 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2016, 2017 theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, kết quả về cắt giảm điều kiện kinh doanh của NHNN đạt trên 80%.
Nhờ các giải pháp, chính sách của Chính phủ và sự triển khai tích cực của ngành Ngân hàng, dòng vốn đã đi tới được nhiều đối tượng người dân, doanh nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần hạn chế, ngăn chặn nạn tín dụng đen.
Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục tài chính được ngành ngân hàng triển khai tích cực và hiệu quả như gameshow “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, góp phần quan trọng nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện.
Để có những kết quả tích cực trên, theo bà đâu là những nhân tố chính?
- Những nhân tố chính phải kể đến là: hoạt động của ngành ngân hàng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm và có sự chỉ đạo sát sao; sự bản lĩnh và quyết liệt của Thống đốc cùng sự đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của Ban Lãnh đạo NHNN; sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị trong NHNN từ trung ương tới địa phương cùng các TCTD; niềm tin và sự đồng thuận và ủng hộ của doanh nghiệp và người dân đối với hệ thống ngày càng tăng cao.
Điều đó đã giúp cho NHNN kiên định đi tới mục tiêu đã đề ra và có những giải pháp, chính sách nhanh nhạy, kịp thời, có các kế hoạch triển khai những trọng tâm công việc của ngành. Cuối cùng đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao vị thế của ngành ngành Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/