|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phở Thìn, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc suýt bị mất tên gọi: Khi các doanh nghiệp Việt lơ là bảo hộ thương hiệu

12:29 | 27/02/2023
Chia sẻ
Doanh nghiệp Việt đã có rất nhiều bài học về việc đánh mất thương hiệu vào tay người khác, Phở Thìn chỉ là một trong những ví dụ mới nhất.

Bài học từ Phở Thìn

Dù được thành lập từ năm 1979 đến nay Phở Thìn 13 Lò Đúc vẫn chưa đăng ký thành công bản quyền thương hiệu. Ngày 22/6/2022, “Phở Thìn 13 Lò Đúc” tại địa chỉ số 13, phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mới nộp đơn đăng ký lên Cục Sở hữu trí tuệ và đang trong trạng thái đợi duyệt.

Trước đó, một hộ kinh doanh phở khác ở Hà Nội đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu “Phở Thìn”, là quán Phở Thìn Bờ Hồ, tại số 61 đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phở Thìn Bờ Hồ do ông Bùi Chí Thìn sáng lập và ông Bùi Chí Đạt kế nghiệp. Trong khi Phở Thìn Lò Đúc do ông Nguyễn Trọng Thìn sở hữu. Cả hai cơ sở Phở Thìn này đều được mở ra tại Hà Nội. 

 Ông Nguyễn Trọng Thìn. (Ảnh: Thành Vũ).

Đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Phở Thìn đứng trước nguy cơ bị “mất tên”. Theo hãng luật Asoka Law, vào ngày 18/10/2019, ông Kim In Jung (Kim) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc kính mời” tại Mỹ, thế nhưng ông Nguyễn Trọng Thìn – chủ nhãn hiệu tại Việt Nam chỉ mới được ghi nhận việc nộp đơn đăng ký tại Mỹ ngày 29/7/2020 do đó ông Thìn đã phải nộp Thông báo Phản đối với nhãn hiệu của ông Kim.

Ông Thìn đã phải chứng minh các yếu tố như lịch sử hình thành thương hiệu, độ nổi tiếng, thông tin về việc nhượng quyền/mở quán ở nhiều địa điểm. Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Thìn cũng đã phải đưa ra lập luận về việc ông Kim không có ý định sử dụng nhãn hiệu này tại thời điểm nộp đơn và ông Kim chưa có đầy đủ giấy tờ được cấp phép để được kinh doanh lĩnh vực ông đăng ký tại Mỹ.

Cuối cùng, kết quả phản đối nhãn hiệu của ông Thìn đã thành công nhưng một cuộc chạy đua khốc liệt cũng xảy ra và đây cũng là bài học cần lưu ý cho các thương hiệu của Việt Nam trong công cuộc chinh phục thị trường nước ngoài.

Các thương hiệu Việt từng bị đánh cắp

Cà phê Trung Nguyên

Tháng 7/2000, Tập đoàn Trung Nguyên tiếp xúc với công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD trong khoảng hai năm để dàn xếp ổn thoả cho việc lấy lại thương hiệu.

Rút ra được kinh nghiệm, Trung Nguyên sau đó đã mạnh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới. 

Nước mắm Phú Quốc

Nước mắm Phú Quốc đã bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1982. Đó là công ty Viet Huong Fishsauce, Mỹ, được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Mỹ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc từ năm 1982. Trên các sản phẩm nước mắm của công ty này từ năm 1982 tới nay sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” có hình bản đồ Việt Nam và đảo Phú Quốc.

Sau đó công ty này đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” tại châu Âu và Australia. Năm 2006, công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên.

Ngày 11/5/2011, một doanh nghiệp tại Hong Kong là công ty TNHH Thương mại Việt Hương đã chính thức nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền để đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú Quốc” cho nhóm hàng hóa 30 (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc.

Cà phê Buôn Ma Thuột

Tháng 6/2011, Luật sư Lê Quang Vinh tại CTCP Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, trụ sở tại Hà Nội, phát hiện hai nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk đã bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng tại Pháp và Trung Quốc.

Ông Vinh làm văn bản gửi Sở Khoa học Công nghệ Đắk Lắk, cho biết chỉ dẫn địa lý cafe Buôn Ma Thuột đã bị công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd có văn phòng đặt tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Sau đó, Việt Nam rất vất vả mới lấy lại thương hiệu “Buôn Ma Thuột” nhưng chỉ ở thị trường Trung Quốc.

Còn tên DAK LAK của tỉnh trồng nhiều cà phê nhất Việt Nam cũng bị công ty ITM Entreprises (Pháp) đăng ký nhãn hiệu, đã được cơ quan sở hữu trí tuệ nước này cấp độc quyền sử dụng cho sản phẩm cà phê của họ từ tháng 9/1997.

Vì đâu nên nỗi?

Theo hãng luật Asoka Law, quyền sở hữu trí tuệ mang bản chất giới hạn lãnh thổ nghĩa là chúng chỉ được bảo hộ ở Việt Nam sau khi đăng ký mà không tự động được bảo hộ tại các quốc gia khác. 

Việc mất tài sản sở hữu trí tuệ ở nước ngoài sẽ dẫn đến các vấn đề như:  Mất thị trường, mất cơ hội xuất khẩu mở rộng thị trường nhằm tăng doanh thu; Doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rủi ro bị kiện tụng, chặn hàng xuất khẩu ở biên giới của nước nhập khẩu và bồi thường thiệt hại.

Các lợi ích có được từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết gần đây như CPTPP, EVFTA và RCEP trở nên vô nghĩa do đó có thể ảnh hưởng tới cả một ngành kinh tế.

Theo PGS.TS Trần Văn Hải, Chủ nhiệm bộ môn Sở hữu trí tuệ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thực tế cho thấy, sự chủ quan, chậm trễ trong đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài đã khiến không ít doanh nghiệp Việt đánh mất tên sản phẩm của chính mình. Không những thế, tên thương hiệu cũng gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, cũng là tài sản của Nhà nước.

Việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản Nhà nước bị rơi vào tay người khác. Nguy hại hơn, sản phẩm đó có thể bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước với lý do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu.. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng khâu đăng ký…

“Một vấn đề khác, quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính thấp nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp được phép coi nhẹ vai trò của sở hữu trí tuệ bởi lẽ, với chủ các doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ không chỉ là yếu tố tài sản mà còn là sự sống còn trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay”, ông Hải nhấn mạnh.

Đức Huy