|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến quyền lực trong các thương hiệu xưa cũ: Từ Phở Thìn Lò Đúc, Thu Hương Bakery đến bánh mỳ Huynh Hoa

16:27 | 23/02/2023
Chia sẻ
Cuộc chiến quyền lực trong nội bộ các thương hiệu chưa bao giờ là một câu chuyện cũ.

Lùm xùm mới đây tại chuỗi cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc đã khiến nhiều người liên tưởng tới các thương hiệu vang bóng một thời và cuộc tranh giành quyền lực đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực của Thu Hương Bakery hay bánh mỳ Huynh Hoa, bánh mỳ Đức Phát,…

Mâu thuẫn tại Phở Thìn Lò Đúc

Ngày 23/2, mâu thuẫn giữa CEO Đoàn Hải Trung và cha đẻ Phở Thìn Lò Đúc, ông Nguyễn Trọng Thìn đã thu hút sự chú ý của độc giả. Sự việc diễn ra khi một số kênh truyền thông đưa tin về “truyền nhân” Phở Thìn Lò Đúc, ông Hải Trung sinh năm 2001, là người không cùng huyết thống với ông Thìn.

Theo thông tin truyền thông đưa, ông Trung tự nhận mình là người “hiểu về phở chỉ sau ông Thìn”, khi đã theo vị sáng lập Phở Thìn học nghề từ năm 12 tuổi. Hiện ông Trung đang là CEO kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội - đơn vị vận hành Phở Thìn 13 Lò Đúc, cũng như các chi nhánh khác ở trong và ngoài nước.

 Ông Đoàn Hải Trung. (Ảnh: Facebook/Doan Hai Trung).

Tuy nhiên, một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Trọng Thìn - trùng tên với người sáng lập Phở Thìn đã lên tiếng tố những thông tin Hải Trung chia sẻ là bịa đặt. Sau đó, ông Hải Trung đã lên tiếng xác minh nói rằng tài khoản này là giả mạo. Tuy nhiên, vị CEO cũng thừa nhận rằng đang có mâu thuẫn trong nội bộ công ty.

"Về việc mình với ông Thìn thì hai ông con hợp tác để phát triển thương hiệu, nhưng khi phát triển tốt rồi thì ông lại đi cho con cháu và bán lẻ đút tiền túi. Mình thì cũng hiểu rằng làm thương hiệu truyền thống khó tránh khỏi những bất cập", Trung kể. "Nhưng sự việc này thì mình cũng không muốn ầm ĩ lên, cũng chả hay ho gì".

Hiện tại, theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung đang vận hành các cửa hàng Phở Thìn khác, ngoài số 13 Lò Đúc, gồm gồm 5 cửa hàng trong nước (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hoá và TP HCM), cùng 6 cửa hàng khác tại thị trường nước ngoài như Nhật, Indonesia, Australia và Hàn Quốc.

Trước mâu thuẫn nội bộ, ông Trung đã đứng ra lập CTCP Phở VieThin 13 Lò Đúc – Hà Nội, và đang nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho Phở VieThin, 13 Lò Đúc – Hà Nội. Trong khi đó, Phở Thìn 13 Lò Đúc cũng đang đăng ký bảo hộ thương hiệu cho Phở Thìn 13 Lò Đúc nhưng chưa được cấp phép.

Sự ra đi của người sáng lập Thu Hương Bakery

Mùa trung thu 2016, người sáng lập thương hiệu Thu Hương Bakery Nguyễn Thị Thu Hương bất ngờ lên báo tuyên bố mình không còn là chủ của chuỗi cửa hàng bánh ngọt này nữa sau khi phải bán lại toàn bộ cổ phần cho đối tác.

Khởi đầu từ người thợ bánh của khách sạn Sofitel Metrople, bà Thu Hương vừa đi làm, vừa tranh thủ làm thêm tại nhà. Sau khi tài làm bánh ngọt của mình được nhiều người biết tới, bà Hương nghỉ hẳn làm để khởi nghiệp, mở cửa hàng Thu Hương Bakery đầu tiên tại phố Phan Đình Phùng và sau đó là một chuỗi các cửa hàng khác.

 Bà Thu Hương (bên trái). (Ảnh:Madame Huong).

Năm 2010, bà đồng ý hợp tác làm ăn với đối tác. Tại đây, bà giữ vai trò giám đốc kỹ thuật, đối tác sẽ đảm nhận vai trò quản lý và điều hành kinh doanh. Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới, bà Hương cho biết đến năm 2012, cả hai bên không tìm được tiếng nói chung. 

“Khi thương hiệu lớn dần, tôi cảm thấy những mục đích tốt đẹp mà tôi mong muốn cứ xa dần… Ngày càng nhiều những quan điểm bất đồng, từ việc phát triển sản phẩm, quản lý nhân sự… và trong một lần xung đột đỉnh điểm, tôi đã buộc phải bán lại cổ phần của mình tại chính thương hiệu mà tôi làm chủ để ra đi”, bà Hương kể.

Sau khi từ Pháp trở về, bà Hương tiếp tục gắn bó với câu chuyện làm bánh ngọt, bằng cách mở cửa hàng Madame Huong tại 39 lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ngày nay, cả hai thương hiệu Thu Hương Bakery và Madame Huong đều xuất hiện cùng nhau trên các con phố lớn vào mỗi dịp Trung Thu.

Bánh mỳ Huynh Hoa chia đôi ngả

Mới đây nhất là câu chuyện của bánh mỳ Huynh Hoa nổi tiếng Sài Gòn. Cuối năm 2021, người tiêu dùng bất ngờ khi xuất hiện một thương hiệu bánh mì có tên "Bánh mì Ômôi Bà Huynh", thoạt nghe khá tương đồng với hàng bánh mì nổi tiếng là bánh mì Huynh Hoa - tiệm bánh được mệnh danh là bán bánh mì "đắt nhất Sài Gòn”.

 Bánh mì Huynh Hoa lên tiếng sau thông tin xuất hiện thương hiệu tương tự. (Đồ hoạ: Thuỳ Trang). 

Về nguyên nhân xuất hiện thêm thương hiệu Bánh mì Ômôi Bà Huynh, tiệm này cho biết điểm bán mới được tách riêng từ bánh mì Huynh Hoa vì lý do cá nhân. Trong đó, thương hiệu Huynh Hoa và cửa hàng cũ sẽ do bà Hoa nắm giữ, quản lý. Bà Huynh sẽ tách ra và xây dựng thương hiệu Ômôi Bà Huynh.

Ra đời năm 1989, tiệm bánh mì Huynh Hoa phát triển từ những chiếc bánh tiêu, bánh quẩy và bánh mì không. Theo ông Nguyễn Quang Huy, chủ quán bánh mì Huynh Hoa, cái tên Huynh Hoa là tên của hai người chị quan trọng nhất cuộc đời ông, nhưng không rõ vì sao từ lâu người dân lại quen với cái tên Huỳnh Hoa hơn.

Dù được xem là món bánh mì đắt bậc nhất Sài Gòn khi giá có thể lên tới 60.000 đồng/ổ nhưng bao năm nay, bánh mì Huynh Hoa vẫn được yêu thích. Thực khách sẵn lòng xếp hàng dài đợi chờ để có thể cầm trên tay chiếc bánh mì kẹp dăm bông, thịt, chả, chà bông, pate,…

Màn chia tay của vợ chồng ông chủ bánh mỳ Đức Phát

Thành lập năm 1984, vợ chồng ông Kao Siêu Lực và bà Dư Đức Phát đã cùng nhau mở ra tiệm bánh mì Đức Phát. Tên thương hiệu được lấy từ tên người vợ với mong muốn "lấy đức để phát".

Ban đầu Đức Phát chỉ bán bánh bông lan nhưng sau đó ông Kao Siêu Lực đã tự mày mò, tìm hiểu công thức để làm ra những loại bánh mới. Những mẫu bánh như croissant của Pháp, bánh dừa lưới, sau này là bánh mì... lần lượt được ra mắt và thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Sài Gòn khi đó. Giá cả hợp lý cùng nhiều mẫu bánh mới lạ đã chiếm được cảm tình của người dân, điều đưa tên tuổi Đức Phát bay xa.

 Tiệm bánh mì Đức Phát. (Ảnh: Đức Phát). 

Tuy vậy, năm 2007, trước những mâu thuẫn kéo dài, cả hai người đã ly hôn sau hơn 20 năm đồng cam cộng khổ, cả hai đã kéo nhau ra tòa để phân chia thương hiệu Đức Phát. Vợ doanh nhân Kao Siêu Lực là người quản lý tài chính và nằm toàn bộ 20 cửa hàng Đức Phát, trong khi ông Lực sở hữu xưởng sản xuất.

Theo phán quyết, ông Lực nhận về 10 cửa hàng nhưng phải từ bỏ thương hiệu Đức Phát. Ngày ly hôn, doanh nhân Kao Siêu Lực nhận về 1 triệu USD theo thỏa thuận cùng 10 cửa hàng, vợ ông được sở hữu phần còn lại và thương hiệu Đức Phát. Sau đó, ông Lực đã mở ra thương hiệu bánh mới mang tên ABC Bakery, viết tắt từ Asia Bakery Confectionery (doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Á Châu).

Đức Huy