|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện khởi nghiệp của cha đẻ Phở Thìn Lò Đúc: Chỉ làm duy nhất món, nhờ bán phở nuôi được 10 người

13:16 | 23/02/2023
Chia sẻ
Hơn 43 năm trôi qua, cơ sở Phở Thìn ở 13 Lò Đúc của ông Nguyễn Trọng Thìn vẫn là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều người thực khách Hà Nội.

Từ lâu, phở đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người dân Thủ đô. Trên các con phố, không khó để bắt gặp những gánh phở hoặc cửa hàng bán từ mờ sáng đến tận khuya.

Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng có thể nổi tiếng hàng chục năm, được “lăng xê” bởi những thực khách sành ăn, thậm chí là khó tính. Cơ sở Phở Thìn ở địa chỉ 13 Lò Đúc là một trong những quán hiếm hoi có được điều này.

"Cha đẻ" của Phở Thìn 13 Lò Đúc là ông Nguyễn Trọng Thìn, sinh năm 1952. Sau khi tốt nghiệp Khoa điêu khắc của trường Mỹ thuật Công Nghiệp, ông về công tác tại Xưởng Mỹ Thuật thuật thuộc Đài truyền hình Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Thìn. (Ảnh: Phở Thìn Lò Đúc)

Vì hoàn cảnh khó khăn, ông công tác được một thời gian rồi nghỉ việc, chuyển sang làm kinh tế. Đến năm 1979, thương hiệu “Phở Thìn Lò Đúc” ra đời.

Lúc bấy giờ, ngay cạnh nhà ông đã có một quán phở đắt khách, người ăn xếp bàn dài tới mấy gốc cây vào mỗi buổi sáng. Trong thời kỳ bao cấp, việc mua một cái nồi quân dụng nấu nước dùng cũng không phải chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định với quyết định của mình, tờ Thể thao & Văn hoá tường thuật lại.

Vốn là dân điêu khắc, ông mang trong mình niềm đam mê nghệ thuật và tính cách thích mày mò, tìm hiểu. Khi hình thành suy nghĩ sẽ mở quán, ông đã lang thang khắp nơi để tìm hiểu xem bò ở đâu ngon, thảo quả, hoa hồi, hành lá... trồng ở đâu là thơm nhất.

Ông cũng mất nhiều thời gian để thử các công thức khác nhau, với mong muốn cho ra đời nước dùng như ý. Để tạo sự khác biệt, ông không bán phở tái-chín như bao quán khác mà chỉ bán duy nhất món phở tái lăn, đồng thời cố tìm ra kỹ thuật xào khiến miếng bò trở nên đặc biệt, mà theo giới thiệu là không chín cũng không kỹ.

Cũng tại đây, thịt bò sau khi được cho vào tô, chủ quán mới chan nước dùng lên trên. Đây là cách làm khác biệt hoàn toàn với các cơ sở bán phở cùng thời.

Thời gian đầu, khách đến quán không nhiều. Theo thời gian, tiếng lành đồn xa, tô phở được nấu từ nước dùng thơm ngậy, cùng những lát thịt bò xào lăn đượm mùi gừng, ăn chung với quẩy rán giòn tại quán ông được nhiều người biết đến hơn. Thu nhập có được nhờ bán phở cũng đủ giúp ông nuôi sống gia đình có tới 10 anh chị em, mà ông là người con thứ tư. 

Sau ba thập kỉ bán phở, năm 2009, ông Thìn được mời sang Hàn Quốc để dạy cách nấu món truyền thống này. Tại đây, ông sẵn sàng chia sẻ công thức nấu món phở đặc biệt của Việt Nam. Cửa hàng có tên "Pho Tang" được ra đời sau đó tại xử sở kim chi, với hàm ý phở nấu từ công thức do người Việt tặng, cũng như một lời biết ơn với món phở của ông Thìn.

Người sáng lập thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc cho rằng, nếu chỉ kinh doanh theo kiểu cha truyền con nối thì khó có thể phát triển thương hiệu bền vững. Và việc nhượng quyền là cách ông lưu giữ thương hiệu này, giúp món phở trứ danh không bị mai một.

Thời điểm hiện tại, ngoài cơ sở chính ở số 13 Lò Đúc, phở Thìn mở thêm tiệm trên phố Hoàng Ngọc Phách. Bên cạnh đó, phở Thìn hoạt động dưới hình thức nhượng quyền tại nhiều địa phương khác như Hải Phòng, TP HCM, Thanh Hoá, Hải Dương; có mặt tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Indonesia.

Bên cạnh phở tái lăn truyền thống, các cơ sở của ông còn bán thêm phở nạm/gầu, với giá từ 60.000 - 70.000 đồng. Ngoài ra, chuỗi Phở Thìn Lò Đúc còn cung cấp tô phở đặc biệt với giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng.

Riêng tại cơ sở chính số 13 Lò Đúc, những năm qua, ông Thìn cùng người thân vẫn xắn tay nấu phở phục vụ thực khách. Cơ sở này cũng giữ nguyên nét giản dị như ngày đầu khai trương, dù có giá đắt hơn mặt bằng chung nhưng vẫn lôi kéo được nhiều khách hàng.

Diễm Ly