Phó giám đốc NHNN TP.HCM: Đừng nhầm tỷ giá tăng là căng thẳng ngoại tệ
Sức ép lên tỷ giá từ nay đến cuối năm đang rất nóng. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để giảm độ nóng này lại, thưa ông?
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo tỷ giá trung tâm, có lên có xuống theo cung – cầu thị trường, vừa theo diễn biến của các đồng ngoại tệ mạnh trên thế giới, nhưng vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá để hỗ trợ kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường tự do thời gian gần đây tăng rất cao, biến động từng giờ và đã lên tới 23.480 USD/VND, trái chiều với việc niêm yết tỷ giá của các ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước? Ông có thể lý giải điều này?
Việc tỷ giá tăng nóng trên thị trường tự do hiện nay đã giảm trở lại, vì tỷ giá tăng mạnh trên thị trường tự do là do tin đồn. Hiện tỷ giá USD/VND tự do giảm trở lại còn 23.100 – 23.170 USD/VND.
Ông có đồng ý với quan điểm cho rằng tỷ giá USD/VND tăng phản ánh tình trạng căng thẳng ngoại tệ?
Mặc dù tỷ giá USD/VND đã tăng so với trước, tỷ giá trung tâm tính từ đầu năm đến ngày 08/12/2016 đã tăng khoảng 1%, nhưng căng thẳng ngoại tệ là không có. Chỉ khi nào cầu ngoại tệ chính đáng không được đáp ứng mới gọi là căng thẳng ngoại tệ.
Trong những ngày tỷ giá biến động vừa qua thì tiền gửi ngoại tệ của cá nhân vào và doanh nghiệp vào ngân hàng không biến động nhiều, vẫn bình thường. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nay, các ngân hàng hoàn toàn chủ động về nguồn vốn và ngoại tệ cung ứng cho nhu cầu thị trường.
Tại TP.HCM dư nợ cho vay trên địa bàn trong 11 tháng đầu năm 2016 ước đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 16,2%, cao hơn bình quân cả nước là 2%. Trong đó, dư nợ cho vay ngoại tệ chiếm gần 10% trong tổng dư nợ cho vay ra. Dự kiến đến hết tháng 12/2016 dư nợ cho vay trên địa bàn tăng trưởng ít nhất là 18%. Nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.
Năm nay, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại thế nào khi có thời điểm giá bán USD của các ngân hàng rất cao so với giá mua vào?
Hiện trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại vẫn đảm bảo rất tốt. Vừa rồi, mặc dù tỷ giá biến động nhưng ngân hàng Nhà nước chưa phải bán một đồng ngoại tệ nào cho ngân hàng thương mại. Dù chênh lệch giá bán USD niêm yết trong ngân hàng khá cao so với giá USD mua vào (có thời điểm chênh tới 100 VND/USD, ngày 24/11) khiến nhiều người nhìn nhận đó là trạng thái “không muốn bán USD” của ngân hàng, nhưng thực tế các doanh nghiệp, người dân vẫn mua được ngoại tệ bình thường.
Việc yết giá là của ngân hàng thương mại tùy chỉnh theo tỷ giá trung tâm, có dựa trên sự cân đối ngoại tệ của từng ngân hàng. Một điều quan trọng nữa là chưa có ngân hàng nào niêm yết tỷ giá USD/VND kịch trần biên độ cho phép. Điều này cho thấy trạng thái ngoại tệ của ngân hàng vẫn tốt.
Kiều hối về ít hơn dự báo có ảnh hưởng như thế nào đến tỷ giá cuối năm, thưa ông?
Ngân hàng Nhà nước đã dự báo tổng lượng kiều hối về đến cuối năm 2016 khoảng 9 tỷ USD so với dự báo khoảng 11-12 tỷ USD đầu năm nay.
Kiều hối về TP.HCM năm 2016 khoảng 5 tỷ USD, giảm 10% so với dự kiến 5,5 tỷ USD đầu năm nay, nhưng kiều hối tại TP.HCM vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cung ngoại tệ gồm nhiều nguồn không chỉ kiều hối, trong đó nguồn ngoại tệ từ giải ngân FDI, xuất khẩu, du lịch tăng khiến cung ngoại tệ của thành phố vẫn đảm bảo. Đặc biệt, ngành ngân hàng vẫn đảm bảo cung ngoại tệ cho các nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Việc giảm 10% nguồn kiều hối về TP.HCM tuy có ảnh hưởng đến nguồn vốn (kiều hối) đổ vào sản xuất, kinh doanh, nhưng quan trọng nhất là tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiềm soát và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường.
Xin cảm ơn ông!