Phiên 9/11: Khối ngoại duy trì gom cổ phiếu thép và ngân hàng, nhưng bán gần 90 tỷ đồng mã HHV tại UPCoM
VN-Index hồi nhẹ so với nhịp lao dốc giữa phiên chiều, dù vậy trước lực cung tăng mạnh từ nhóm vốn hóa lớn, chỉ số sàn HOSE vẫn giảm hơn 6 điểm khi đóng cửa. Thị trường phân hóa mạnh mẽ khi nhiều cổ phiếu vẫn giao dịch khởi sắc, thậm chí nhiều mã tăng kịch trần như HDC, L10, ITD, PVT, HAG, NAV, LDG,...
Kết phiên, VN-Index giảm 6,07 điểm (0,41%) còn 1.461,5 điểm, HNX-Index tăng 0,54 điểm (0,12%) lên 432,64 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (0,14%) lên 109,18 điểm.
Thanh khoản thị trường suy yếu trong phiên chiều, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch sàn HOSE đạt gần 30.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với phiên hôm qua.
Trên sàn HOSE, mặc dù vốn ngoại duy trì vào ròng trong phiên thứ ba liên tiếp với giá trị 7,57 tỷ đồng, quy mô mua ròng đã giảm tương đối mạnh so với phiên liền trước. Về khối lượng, nhóm này đảo chiều bán ròng hơn 1,87 triệu đơn vị.
Ở chiều mua, cổ phiếu HPG của ông lớn ngành thép CTCP Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục thu hút gần 173 tỷ đồng giá trị mua ròng, tương đương hơn 3 triệu đơn vị. Mặc dù mã này có lúc tăng 0,88% trong phiên, lực cầu có phần hụt hơi về cuối phiên khiến HPG đóng cửa dưới mức tham chiếu và là một trong những mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.
Nối tiếp, lực cầu vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng khi khối ngoại duy trì rót ròng gần nhẹ hơn vào các cổ phiếu CTG (95 tỷ đồng), VCB (57,5 tỷ đồng), HDB (55,8 tỷ đồng), STB (36,1 tỷ đồng), BID (27,2 tỷ đồng).
Là mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số, cổ phiếu VHM của Vinhomes được khối ngoại mua ròng gần 86 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu đơn vị. Theo sau, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng nhẹ hơn các cổ phiếu KDH (52,5 tỷ đồng), PNJ (26,4 tỷ đồng), VCI (25 tỷ đồng).
Trở lại bên bán, cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh dẫn đầu chiều bán ròng với 92,6 tỷ đồng. Đây có thể xem là động thái chốt lời từ một bộ phận các nhà đầu tư ngoại khi mã này đã liên tục tăng giá kể từ tháng 10 và hiện đang ở đỉnh lịch sử 26.400 đồng/cp.
Kế tiếp, dòng tiền ngoại tiếp tục chốt lời nhiều cổ phiếu bất động sản sau khi nhóm này đã lấy lại phần lớn điểm số sau phiên chỉnh mạnh trong tuần trước. Lần lượt các mã bị bán ròng là NVL (79,9 tỷ đồng), NLG (41,4 tỷ đồng), VIC (40,6 tỷ đồng), PDR (25,4 tỷ đồng).
Cùng chiều, một số cổ phiếu trong nhóm bluechips cũng ghi nhận giao dịch rút ròng từ phía khối ngoại, trong đó MSN (91,1 tỷ đồng), GEX (59,5 tỷ đồng), SSI (50,1 tỷ đồng), HSG (28,1 tỷ đồng), BVH (26,2 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại đảo chiều bán ròng nhẹ 1,7 tỷ đồng sau hai phiên mua gom nhẹ. Về khối lượng, nhóm này rút ròng 335.000 đơn vị cổ phiếu.
Ở chiều bán, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O trở thành mã bị bán ròng nhiều nhất với 8,2 tỷ đồng, chiếm phần lớn giá trị rút ròng tại HNX. Cổ phiếu IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam bị rút ròng 1,4 tỷ đồng, theo sau nhóm này cũng bán ròng các mã IVS (816 triệu đồng), SRA (532 triệu đồng), LAS (445 triệu đồng), SCI (436 triệu đồng)...
Chiều ngược lại, dòng tiền ngoại tập trung ở một số cổ phiếu, lần lượt là SHS (3,1 tỷ đồng), THD (2,9 tỷ đồng), PVS (1,5 tỷ đồng), HUT (1,3 tỷ đồng). Một số mã được ghi nhận giao dịch cùng chiều lần lượt là NSH, PVG, TVD...
Tương tự, tại thị trường UPCoM, khối ngoại quay lại ròng ngay sau một phiên mua nhẹ với quy mô bán ròng 93,6 tỷ đồng, tương đương 4,1 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả bất ngờ đóng góp phần lớn giá trị rút ròng tại UPCoM với hơn 86 tỷ đồng. Đáng chú ý, phiên 9/11 đánh dấu sự khởi sắc của HHV về cả điểm số và thanh khoản với giá trị khớp lệnh đạt mức lịch sử 26,8 triệu đơn vị.
Theo sau, danh mục bán ròng của khối ngoại tập trung tại QNS (11 tỷ đồng), VEA (2,8 tỷ đồng), LTG (1,9 tỷ đồng), RGC (1,6 tỷ đồng)....
Trái lại, ở chiều mua, cổ phiếu CLX là mã được gom ròng chủ yếu với giá trị 2,3 tỷ đồng trong phiên. Bên cạnh đó, nhóm này chỉ rót vốn nhẹ hơn dưới 1 tỷ đồng vào một số mã như MCH, BTD, CTR, VNB....