|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 4/11: Khối ngoại quay lại bán ròng, tâm điểm xả hơn 14,8 triệu cổ phiếu PAN

16:32 | 04/11/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index lấy lại sắc xanh, khối ngoại quay lại bán ròng hơn 74 tỷ đồng tại HOSE sau phiên giao dịch tích cực trước đó. Đáng chú ý, nhà đầu tư ngoại thực hiện bán ròng hơn 14,8 triệu cổ phiếu PAN, tương ứng rút ròng về giá trị 458 tỷ đồng.

Đà hồi phục của cổ phiếu bất động sản, xây dựng giúp VN-Index lấy lại sắc xanh trong phiên chiều và nối lại xu hướng tăng trước đó. Tiếp nối diễn biến khởi sắc trong phiên sáng, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán đua nhau bứt phá trong phiên chiều nay và đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index với gần 2,7 điểm.

Kết phiên, VN-Index tăng 4,04 điểm (0,28%) lên 1.448,34 điểm, HNX-Index tăng 6,72 điểm (1,62%) lên 422,42 điểm, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (0,38%) đạt 107,38 điểm.

Thanh khoản tại HOSE chỉ đạt 29.259 tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên thanh khoản bùng nổ trước đó nhưng vẫn cao hơn 54% so với mức thanh khoản bình quân 1 tháng gần đây.

Phiên 4/11: Quay lại bán ròng, khối ngoại bán ra hơn 14,8 triệu cổ phiếu PAN - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch khối ngoại trong 30 phiên gần nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 1.645 tỷ đồng nhưng bán ra với giá trị 1.720 tỷ đồng. Sau một phiên mua gom, nhóm này đã quay lại bán ròng 74 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng 2.443.800 đơn vị.

Phiên 4/11: Quay lại bán ròng, khối ngoại bán ra hơn 14,8 triệu cổ phiếu PAN - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều bán ròng, cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN là mã bị bán ròng nhiều nhất với 458 tỷ đồng, tương đương hơn 14,8 triệu đơn vị. Nhiều khả năng đây là giao dịch của hai cổ đông ngoại Tael Two Partners và Sojitz Corporation sau khi đồng loạt đăng ký bán ra 15 triệu cổ phiếu và 10,4 triệu cổ phiếu PAN. Tuy vậy, lực cầu nhập cuộc giúp PAN vẫn giữ được đà tăng và đóng cửa tăng 4,43%.

Nối tiếp, khối ngoại cũng bán ròng hơn 192 tỷ đồng cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI. Sau thông tin thoái bớt vốn của hai quỹ ngoại, mới đây SSI cũng đã thông báo bán ra 15 triệu cổ phiếu PAN nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư từ ngày 8/11 đến ngày 30/11.

Bên cạnh đó, lực xả ngoại cũng tìm đến các cổ phiếu gồm GEX (60,4 tỷ đồng), HSG (54,5 tỷ đồng), VRE (45,4 tỷ đồng), VNM (43,3 tỷ đồng)...

Phiên 4/11: Quay lại bán ròng, khối ngoại bán ra hơn 14,8 triệu cổ phiếu PAN - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Chiều ngược lại, khối ngoại duy trì mua ròng chủ yếu ở nhóm ngân hàng, bất động sản trong phiên VN-Index lấy lại điểm số đã mất sau nhịp giảm hôm qua. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại tập trung mua ròng các cổ phiếu CTG (68,2 tỷ đồng), VCB (46,4 tỷ đồng), STB (38,3 tỷ đồng), HDB (33,1 tỷ đồng).

Ở nhóm bất động sản, một số đại diện thu hút vốn ngoại lần lượt phải kể đến VHM (61,7 tỷ đồng), KBC (37,3 tỷ đồng). Nhà đầu tư ngoại cũng mua ròng 53,9 tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND, theo sau giải ngân ròng nhẹ hơn vào một số cổ phiếu như HCM (50,7 tỷ đồng), VND (38 tỷ đồng), PNJ (33,2 tỷ đồng)...

Trên sàn HNX, xu hướng giao dịch khối ngoại không có nhiều biến động khi nhóm này tiếp đà bán ròng 20,15 tỷ đồng, tương đương rút ròng về khối lượng 402.966 đơn vị.

Ở chiều bán, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam với giá trị 15,4 tỷ đồng. Theo sau, mã PDB của CTCP Tập đoàn Đầu tư Din Capital bị bán ròng hơn 9 tỷ đồng. Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có IDJ (1,5 tỷ đồng), IVS (835 triệu đồng), L14 (694 triệu đồng)...

Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung mua ròng mạnh nhất mã CEO (3,1 tỷ đồng) và SHS (2,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số cổ phiếu được mua ròng dưới 1 tỷ đồng còn có CLH, KLF, PPS, LAS...

Tại thị trường UPCoM, đồng thuận với xu hướng giao dịch trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng nhẹ 3,6 tỷ đồng, tương đương 150.399 đơn vị.

Cụ thể, danh mục cổ phiếu bị bán ròng trong phiên được dẫn đầu bởi QNS (5,4 tỷ đồng), HHV (3,3 tỷ đồng), LTG (2 tỷ đồng), RGC (1,5 tỷ đồng). Nối tiếp, khối ngoại rút ròng khỏi các cổ phiếu gồm AAS, MFS, SKH...

Trái lại, hai cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam và BSR của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn thu hút lực cầu lớn nhất lần lượt là 4,4 tỷ đồng và 2,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có VGG, VTP, VGT, BTD...

Thảo Bùi

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.