|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 23/2: Khối ngoại giao dịch tích cực, gom VJC bên cạnh nhóm bất động sản

16:47 | 23/02/2022
Chia sẻ
Đồng thuận với đà tăng của thị trường, khối ngoại giao dịch tích cực trong phiên khi mua ròng 155 tỷ đồng tại HOSE. Dòng tiền duy trì ở nhóm cổ phiếu bất động sản, đồng thời gom ròng cổ phiếu VJC của Vietjet.

Lực bán gia tăng sau 14h00 khiến đà tăng có phần hạ nhiệt, VN-Index gặp khó khi gặp cản mạnh tại 1.520 điểm. Tuy nhiên với thanh khoản hiện tại ở mức trung bình thì chỉ số có lẽ cần tích lũy thêm để có thể tiến gần hơn với đỉnh cũ. Điểm sáng là xu hướng tăng giá đồng thuận giúp VN-Index đang neo quanh vùng 1.512 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 8,83 điểm (0,59%) lên 1.512,3 điểm, HNX-Index tăng 8,11 điểm (1,87%) đạt 442,54 điểm, UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,44%) lên 113,51 điểm.

Thanh khoản thị trường thấp hơn đáng kể so với các phiên trước, với khối lượng giao dịch hơn 895 triệu đơn vị tương ứng giá trị 27.712 tỷ đồng, trong đó giao dịch trên HOSE đạt 22.394 tỷ đồng, giảm 21%.

Phiên 23/2: Khối ngoại giao dịch tích cực, gom ròng VJC bên cạnh nhóm bất động sản - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch khối ngoại trong 30 phiên gần nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Giao dịch tại HOSE, khối ngoại trở lại rót ròng 109 tỷ đồng, tương đương mua gom hơn 2,9 triệu đơn vị. Đồng thuận với đà tăng điểm của thị trường, nhóm này tiếp tục mua gom cổ phiếu nhóm bất động sản, đồng thời bán ròng nhóm thực phẩm và đồ uống, nước, khí đốt.

Phiên 23/2: Khối ngoại giao dịch tích cực, gom ròng VJC bên cạnh nhóm bất động sản - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Xét giao dịch cụ thể từng cổ phiếu, DXG của Đất Xanh Group tiếp nối xu hướng trong phiên trước khi thu hút 72,7 tỷ đồng vốn ngoại. Trước đó vào ngày 17/2, các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital cũng có động thái mua thêm 1,15 triệu cổ phiếu của công ty địa ốc này.

Bên cạnh đó, lực cầu ngoại chuyển hướng mua ròng 53,3 tỷ đồng cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet. Dòng tiền gia tăng ở VJC khiến mã này trở thành đầu kéo chính cho VN-Index, đóng góp lớn nhất cho đà tăng của chỉ số.

Cùng chiều, nhà đầu tư ngoại cũng mua ròng tại một số cổ phiếu, lần lượt phải kể đến như VHM (49,5 tỷ đồng), GMD (33,6 tỷ đồng), DCM (30,3 tỷ đồng), HAH (21,5 tỷ đồng),...Hai đại diện của các nhà băng được mua ròng nhiều nhất trong phiên là CTG (24,6 tỷ đồng) và TPB (23,3 tỷ đồng).

Phiên 23/2: Khối ngoại giao dịch tích cực, gom ròng VJC bên cạnh nhóm bất động sản - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Chiều ngược lại, VNM của Vinamilk trở thành mã thu hút lực xả lớn nhất trong phiên với quy mô bán ròng 83,3 tỷ đồng, áp đảo so với những mã còn lại. Cổ phiếu này đã liên tục bị xả ròng trong nhiều phiên gần đây.

Nối tiếp, nhóm này tiếp đà chốt lời 49,6 tỷ đồng cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam, trước khi bán ròng nhẹ hơn ở các mã MSN (36,3 tỷ đồng), VGC (27,4 tỷ đồng), NVL (23,9 tỷ đồng), KBC (22,4 tỷ đồng)....

Đến với giao dịch chứng chỉ quỹ, E1VFVN30 bị bán ròng với quy mô 19,6 tỷ đồng, tương đương 756.500 đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch có phần kém tích cực khi nhà đầu tư ngoại quay lại bán ròng 27,9 tỷ đồng ngay sau phiên mua nhẹ, tương đương 826.728 đơn vị.

Nổi bật ở chiều bán là lực xả ở cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG. Khối ngoại bán ròng 26,2 tỷ đồng mã này trong phiên thứ 5 liên tiếp, tăng hơn 2 lần so với phiên trước. Áp lực rút ròng theo sau cũng tìm đến PVS (5 tỷ đồng), THD (3,8 tỷ đồng), LAS (1,9 tỷ đồng), LHC (1,2 tỷ đồng)...

Tại chiều mua, lực cầu chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu IDC (3,3 tỷ đồng) và PLC (2,4 tỷ đồng). Nhóm này cũng tập trung mua gom SCI (1,9 tỷ đồng) và PSD (1,2 tỷ đồng), trước khi rót vốn nhẹ hơn vào VCS, TKU, APS...

Thị trường UPCoM vẫn ghi nhận xu hướng tích cực khi khối ngoại tiếp tục mua ròng 22,1 tỷ đồng, tương ứng rót vốn ròng vào hơn 1 triệu đơn vị cổ phiếu.

Cụ thể, nhà đầu tư ngoại tập trung mua ròng nhiều nhất 17,1 tỷ đồng cổ phiếu QTP của Nhiệt điện Quảng Ninh, tắng gấp hơn 5 lần phiên trước. Các mã QNS (2,9 tỷ đồng), ACV (1,9 tỷ đồng) cũng được mua mạnh, trước khi giao dịch cùng chiều được ghi nhận tại VOC, SKH, BSR...

Trái lại, quy mô bán ròng được thu hẹp đáng kể khi FOX là cổ phiếu duy nhất bị bán ròng trên 1 tỷ đồng. Kế tiếp, lực xả với quy mô nhẹ hơn lần lượt tìm đến các cổ phiếu VTP (841 triệu đồng), VLB (694 triệu đồng), ABI (380 triệu đồng)...

Thảo Bùi