|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia khuyên NĐT không nên chạy đua với cổ phiếu dược, biên lợi nhuận từ bán thuốc COVID-19 rất thấp

15:37 | 23/02/2022
Chia sẻ
Theo nghiên cứu của SSI Research, các cổ phiếu ngành dược đã chạm giá mục tiêu nên không còn quá hấp dẫn. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận trong việc bán thuốc COVID-19 rất thấp, thậm chí các doanh nghiệp bán với mức lãi bằng 0.

Nhiều ngành đang trở lại quỹ đạo dù số ca nhiễm COVID-19 kỷ lục

Theo số liệu từ Bộ Y tế, ngày 22/2 cả nước ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới (tăng 9.010 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (trong đó có 39.728 ca trong cộng đồng). Đáng chú ý, ca mắc mới tại Hà Nội đạt mức tăng kỷ lục với 6.860 ca trong ngày.

Trong chương trình Bí mật đồng tiền phát sóng trưa ngày 23/2, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, nhận định tình hình dịch COVID-19 hiện không còn là ẩn số, vì vậy tác động lên thị trường chứng khoán gần như bằng không. 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận hệ luỵ của COVID-19 đối với rất nhiều ngành nghề vì từng ngành có tốc độ hồi phục khác nhau. Với mức độ bao phủ vắc xin, ngoại trừ những biến số mới, ông Thuân cho rằng tâm lý thị trường không còn quá e ngại về số ca nhiễm mới.

Trên góc độ số liệu, việc hồi phục của các ngành nghề đang diễn ra rất mạnh. Ngoài ngành bán lẻ, dược được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch gia tăng, ông Thuân đánh giá vẫn còn nhiều ngành khác cần mổ xẻ và nhiều tiềm năng, có thể kể đến ngành ngân hàng hay bất động sản

Đối với ngành ngân hàng, với việc trích lập dự phòng tốt, cùng với đó là nới room tín dụng, nhóm này sẽ có triển vọng tích cực, đặc biệt trong nửa đầu năm khi mùa đại hội cổ đông diễn ra.

Còn với ngành bất động sản, ông Thuân đánh giá nhóm ngành này bị "dìm", dòng tiền liên tục tháo chạy sau những sự kiện như Tập đoàn Evergrande vỡ nợ hay vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của FiinGroup, ảnh hưởng của sự kiện Evergrande rất thấp vì thị trường bất động sản tại Việt Nam hoàn toàn khác Trung Quốc. 

Về cơ bản, ông Thuân nhận định rất nhiều ngành sẽ quay trở lại quỹ đạo mặc dù số ca nhiễm tăng mạnh. 

Bày tỏ về phương pháp đầu tư, thay vì tìm đến bất động sản khu công nghiệp như đám đông, ông Thuân lại đi ngược và đầu tư vào sản phẩm mang bản chất của condotel tại Hạ Long và sát biển, phân khúc mà nhiều NĐT e dè. 

Chia sẻ thêm góc nhìn rộng hơn về ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh hiện nay, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI cho rằng số lượng ca nhiễm trên toàn thế giới đều tăng, nên mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn. 

Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là một số nước vẫn tiếp tục đóng cửa vì số ca nhiễm tăng cao, ví dụ như Trung Quốc hay HongKong thậm chí còn tính đến chuyện phong tỏa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình Việt Nam mở cửa và hồi phục.

NĐT có nên chạy đua với cổ phiếu ngành dược?

Trong những phiên giao dịch gần đây, nhiều cổ phiếu ngành dược, điển hình nhất là MKP và FRT, liên tục tăng mạnh trước thông tin được cấp phép sản xuất và phân phối thuốc trị COVID-19. Trước kỳ vọng được hưởng lợi trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 lập kỷ lục, nhiều NĐT không ngần ngại đua lệnh cổ phiếu ngành dược.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của SSI Research, các cổ phiếu ngành dược đã chạm giá mục tiêu nên không còn hấp dẫn. Ông Phạm Lưu Hưng nhận định biên lợi nhuận trong việc bán thuốc COVID-19 rất thấp, thậm chí các doanh nghiệp bán với mức lãi bằng 0. 

Lấy ví dụ về FPT Retail, giới đầu tư đang kỳ vọng quá cao về việc phân phối thuốc nhưng thực tế biên lợi nhuận bán laptop của doanh nghiệp này còn cao hơn.

Chuyên gia khuyên NĐT không nên chạy đua với cổ phiếu dược, biên lợi nhuận từ bán thuốc COVID-19 rất thấp - Ảnh 1.

Biên lợi nhuận từ việc bán laptop của FPT Retail cao hơn bán thuốc. Ảnh: Thu Hà.

Giống như Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Thuốc COVID-19 sẽ được bán như thuốc dạ dày", NĐT không nên quá ham vào sóng ngành dược. 

Bài học nhãn tiền trước đây chính là cổ phiếu VMD. Mã này đã tăng phi mã khi thông báo ký kết nhiều hợp đồng nhập khẩu thuốc trị COVID-19, nhưng sau đó lại vẽ ngay "một cây thông" tặng NĐT lỡ đu đỉnh. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân thấy rằng ngành dược Việt Nam còn rất yếu khi phải lệ thuộc vào việc cấp phép, chưa tự chủ về khâu nghiên cứu và nhập khẩu rất nhiều dược phẩm nước ngoài, vì vậy biên lợi nhuận rất thấp. 

Theo tính toán của FiinGroup, năm 2021 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lợi nhuận của 48 doanh nghiệp lớn nhất ngành dược chỉ tăng khoảng 8% trong khi giá cổ phiếu tăng gấp 20 lần. Mặc dù ước tính lợi nhuận có thể đạt 35% trong năm nay và hưởng lợi trong bối cảnh số ca nhiễm tăng, ngành này vẫn không thể bứt phá.

Bảo Ngọc