|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ngành dược cần nới 'room' để thu hút vốn ngoại

20:06 | 14/11/2016
Chia sẻ
Chiều 14/11, hội thảo "Ngành Dược Việt Nam - Cơ hội từ thay đổi chính sách" được Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng nếu sớm được nới room (tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài), cổ phiếu ngành dược sẽ nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, đặc biệt là dòng vốn ngoại. Cụ thể, tốc độ phát triển thị trường sẽ cao hơn 17% trong năm 2017.

Mặc dù, hiện nay các mặt hàng dược của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế về tính cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành dược phẩm Việt Nam vẫn được biết đến là một trong những ngành duy trì tốc độ tăng trưởng cao và phát triển nhanh nhất châu Á.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường BMI Resarch (Anh), thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tăng từ 4,2 tỷ USD năm 2015 lên 7,2 tỷ USD năm 2020, sau đó duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số hàng năm đến năm 2025.

PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ngoài những yếu tố bùng nổ dân số, ý thức sức khoẻ tăng cao, thu nhập người dân tăng, mức chi tiêu bình quân cho dược phẩm còn thấp, thì cơ hội đầu tư với tiềm năng tăng trưởng lớn của ngành dược nhờ vào việc Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành như Nghị định 60/2015/NĐ-CP về việc dỡ bỏ trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài được thông qua ngày 26/6/2015.

Đồng thời, Luật Dược sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017, với những chính sách ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc trong nước... được xem là sẽ mang lại những thay đổi tích cực đến sự phát triển của ngành dược phẩm Việt Nam.

Theo các chuyên gia, cần xem ngành y tế nói chung, ngành dược nói riêng là một ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm và dịch vụ, mới có thể thu hút và đón được làn sóng đầu tư, chứ không nên xem là một ngành sự nghiệp. Thông qua đó, giúp doanh nghiệp ngành dược tạo ra động lực thúc đẩy cổ phiếu tăng trưởng dựa trên nền tảng hoạt động kinh doanh cốt lõi phát triển bền vững.

Một số nhà đầu tư cho rằng, ngành dược là ngành kinh doanh mặt hàng thiết yếu trong một nước có dân số lớn và nhu cầu sử dụng thuốc ngày càng cao như Việt Nam thì cơ hội về dài hạn của cổ phiếu ngành dược còn lớn, đặc biệt thích hợp với đầu tư giá trị. Mặt khác, dù đã tăng giá mạnh từ đầu năm 2016 tới nay nhưng so với một số thị trường khu vực, cổ phiếu dược Việt Nam vẫn còn hấp dẫn.

Chia sẻ tiêu chí lựa chọn cổ phiếu ngành dược, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc, cho hay, các nhà đầu tư nên chú trọng năng lực tài chính lành mạnh của doanh nghiệp như tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao và ổn định; có thương hiệu và kinh nghiệm lâu năm trên thị trường. Ngoài ra, những công ty dược có tiềm năng tăng trưởng lớn, quan tâm đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, xây dựng vùng nguyên liệu... sẽ là điểm đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư.

Mỹ Phương