|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 22/9: Khối ngoại giảm quy mô bán ròng trong phiên VN-Index lấy lại mốc 1.350 điểm

16:39 | 22/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên thị trường diễn biến tích cực trong phiên chiều, khối ngoại duy trì bán ròng tại HOSE. Tuy vậy quy mô rút ròng đã giảm hơn 50% so với phiên liền trước, xuống gần 200 tỷ đồng.

Với sự trở lại dẫn dắt của nhóm bất động sản, thị trường như được tiếp thêm động lực giúp sắc xanh đã trở lại với nhiều nhóm ngành trong phiên chiều như ngân hàng, bán lẻ, xây dựng & vật liệu...

Sắc xanh lan tỏa cuối phiên chiều kéo VN-Index chạm mốc 1.350,68 điểm, tăng 10,84 điểm (0,81%). Có phần khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 4,45 điểm (1,24%) lên 363,43 điểm, UPCoM-Index tăng 0,88 điểm (0,91%) lên 97,65 điểm.

Tuy vậy, thanh khoản thị trường suy yếu đáng kể so với phiên trước với hơn 1,09 tỷ đơn vị cổ phiếu được mua - bán, tương đương tổng giá trị giao dịch đạt 25.072 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng giá trị giao dịch trên HOSE là 18.977 tỷ đồng, giảm gần 20% so với phiên hôm qua.

Trên sàn HOSE, giao dịch khối ngoại có phần thu hẹp so với phiên trước khiến nhóm này giảm quy mô bán ròng hơn 50%, xuống mức 201,1 tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu bị rút ròng tại HOSE là 12,79 triệu đơn vị.

Phiên 22/9: Khối ngoại giảm quy mô bán ròng trong phiên VN-Index lấy lại mốc 1.350 điểm  - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cổ phiếu VPH của CTCP Vạn Phát Hưng bất ngờ dẫn đầu tại chiều bán với giá trị rút ròng 61,6 tỷ đồng, tương đương hơn 7,7 triệu đơn vị. Giao dịch xả ròng từ nhà đầu tư nước ngoài đẩy khối lượng giao dịch mã này trong phiên 22/9 lên mức 9,3 triệu đơn vị, áp đảo so với mức trung bình 2 triệu đơn vị trong những phiên trước đó.

Theo sau, cổ phiếu VIC của Vingroup tiếp tục bị bán ròng 48,4 tỷ đồng. Lực rút vốn từ khối ngoại cũng lan tỏa tại nhiều đại diện của các ngành khác như ngân hàng (CTG), thép (NKG, HPG), bảo hiểm (BVH)...

Điểm tích cực trong phiên là quy mô rút vốn của khối ngoại đã thu hẹp so với phiên trước, không có cổ phiếu nào bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.

Phiên 22/9: Khối ngoại giảm quy mô bán ròng trong phiên VN-Index lấy lại mốc 1.350 điểm  - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Mặc dù bán ròng CTG của Vietinbank, khối ngoại lại giải ngân vào hai mã MBB (88,5 tỷ đồng) và VCB (57,9 tỷ đồng). Trong đó, sắc xanh tại VCB đã đóng góp cho đà tăng của chỉ số tới 1,44 điểm.

Hai nhân tố còn lại đóng góp lượng lớn xung nhịp tăng cho chỉ số là VNM (Vinamilk) và MSN (Masan Group) cũng được khối ngoại tập trung mua gom. Cụ thể, VNM ghi nhận giá trị mua ròng 41,5 tỷ đồng, còn MSN được mua ròng nhẹ 14 tỷ đồng. Nối tiếp, dòng vốn ngoại cũng lan tỏa tại các đại diện VND, KDH, VHM, VCI, GMD, PNJ.

Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng 42,9 tỷ đồng trong phiên thứ ba liên tiếp, tương ứng khối lượng rút ròng là 1.132.102 đơn vị.

Tại phía bán, VCS của Vicostone và THD của Thaiholdinsg đồng thời bị bán ròng nhiều nhất với khoảng 11,4 tỷ đồng. Nối tiếp, dòng vốn ngoại cũng rút ròng khỏi VNR (5,9 tỷ đồng), BCC (3,1 tỷ đồng), SED (2,9 tỷ đồng). Một số mã tập trung lực xả trên 1 tỷ đồng còn có TNG, PCG, PVI, VKC, ACM...

Giao dịch mua ròng có phần ảm đạm hơn khi chỉ có mã CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O được mua ròng nhiều nhất với 2,6 tỷ đồng. Theo sau, các mã được vào ròng dưới 1 tỷ đồng gồm có ART, APS, KLF, NBC....

Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài duy trì giao dịch tích cực với 3,7 tỷ đồng giá trị mua ròng. Về khối lượng, nhóm này rót vốn ròng vào 5.074.730 đơn vị cổ phiếu.

Dẫn đầu tại chiều mua là cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Mã này được mua ròng 3,5 tỷ đồng. Nối tiếp, khối ngoại suy trì rót vốn vào HPP (2,3 tỷ đồng), ABI (1,7 tỷ đồng), đồng thời mua ròng EVF và VGT (1 tỷ đồng).

Trái chiều, giao dịch bán ròng mạnh tập trung tại VEA với hơn 2,7 tỷ đồng. Cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi tiếp tục nằm trong danh mục bán ròng của khối ngoại, tuy vậy chỉ còn bị xả ròng 1,6 tỷ đồng so với mức 14 tỷ đồng trong phiên trước. Cùng chiều, BSR của Lọc hóa Dầu Bình Sơn bị xả ròng gần 1,1 tỷ đồng.

Thảo Bùi

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.