Phiên 11/9: Chỉ số giằng co trong biên độ hẹp, nhóm Viettel và KCN hồi phục
Kết phiên, VN-Index giảm 0,95 điểm (0,1%) xuống 969,31 điểm; HNX-Index tăng 0,2% lên 100,17 điểm; UPCoM-Index giảm 0,45% xuống 55,9 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức trung bình với khổi lượng giao dịch 201 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 4.605 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm hơn 1/3 giá trị giao dịch toàn thị trường.
Mặc dù VN-Index giảm điểm, độ rộng toàn thị trường vẫn khá tích cực với 307 mã tăng giá, 259 mã giảm giá và 194 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm VN30 ghi nhận sự khởi sắc tại các mã HPG, REE, MSN, PNJ, TCB, VRE, VCB, MBB, CTG, FPT, MWG; ngược lại các mã DPM, ROS, VHM, CTD, VNM, GMD, GAS, VIC chìm trong sắc đỏ. Cùng với đó, nhóm dầu khí cũng bị bán mạnh tại các mã BSR, PVB, OIL, POW, PLX, CNG, GAS, PVS.
Hai cổ phiếu YEG và FTM tiếp tục giảm sàn, trong đó cổ phiếu FTM chỉ khớp lệnh 5.520 đơn vị và dư bán hàng triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, nhóm Viettel và KCN duy trì sự khởi sắc đến cuối phiên. Trong đó, hai mã CTR và D2D tăng kịch trần, các mã VTK, VGI, VRG, SIP, SZC, SNZ, LHG, TIP đều tăng trên 3%.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 2,07 điểm (0,21%) xuống 968,19 điểm; HNX-Index giảm 0,12% xuống 99,86 điểm; UPCoM-Index giảm 0,62% xuống 55,8 điểm.
Nhóm bluechips xuất hiện nhiều mã bứt phá như HPG, MSN, PNJ, MBB, REE, TCB giúp VN30-Index lấy lại sắc xanh, tuy nhiên VN-Index vẫn giảm điểm do ảnh hưởng bởi nhóm dầu khí và ngân hàng.
Cổ phiếu YEG giảm sàn (7%) xuống còn 65.600 đồng/cp. Cổ phiếu FTM cũng vẫn dư bán hơn 15 triệu đơn vị tại mức giá sàn 6.110 đồng/cp. Cổ phiếu "họ FLC" cũng chìm trong sắc đỏ với các mã FLC, ROS, GAB, HAI.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 2,33 điểm (0,24%) xuống 967,93 điểm; HNX-Index giảm 0,2% xuống 99,77 điểm; UPCoM-Index giảm 0,37% xuống 55,94 điểm.
Tâm lí thận trọng khiến các chỉ số diễn biến kém tích cực trong phiên sáng hôm nay. Theo đó, VN-Index rơi khỏi mốc 970 điểm, HNX-Index cũng không giữ được mốc 100 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức trung bình với 104,6 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng giá trị 2.671 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận trên HOSE 1.235 tỉ đồng, tập trung vào các cổ phiếu MSN, GEX, ROS, TCB.
Thị trường ghi nhận sự phân hóa tại các nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, hàng không, thủy sản. Trong khi, nhóm dầu khí diễn biến tiêu cực với các mã OIL, BSR, PVS, PVT, PVB, PLX, PET, POW, CNG, GAS giảm giá.
Ngược lại, nhóm Viettel và KCN tiếp tục hồi phục với nhiều mã tăng mạnh như SIP, VRG, SNZ, HPI, SZC, D2D, MH3, CTR, VGI, VTK.
Bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG giao dịch lình xình quanh tham chiếu. Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có thông báo tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu hai cổ phiếu này.
Tính đến 10h40, VN-Index giảm 0,94 điểm (0,1%) xuống 969,32 điểm; HNX-Index giảm 0,14% xuống 99,83 điểm; UPCoM-Index giảm 0,37% xuống 55,94 điểm.
Áp lực bán gia tăng khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm, thậm chí rơi khỏi mốc 970 điểm. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu VN30 như ROS, VHM, HDB, MWG, VJC, FPT, VNM và nhóm dầu khí PVB, PVS, BSR, PET, OIL, PLX.
Ngược lại, nhóm Viettel vẫn giao dịch khởi sắc với VTK tăng 11,4%; CTR (6,8%); VGI (3,1%) và VTP (0,7%). Nhóm cảng biển cũng ghi nhận sự hồi phục tại các mã PHP, TCL, DVP, VSC.
Tính đến 9h30, VN-Index tăng 0,7 điểm (0,07%) lên 970,96 điểm; HNX-Index giảm 0,09% xuống 99,88 điểm; UPCoM-Index giảm 0,8% xuống 55,7 điểm.
Tiếp tục xu hướng của những phiên giao dịch trước, thị trường chứng khoán phiên hôm nay diễn ra ảm đạm ngay từ những phút mở cửa. Trong đó, VN-Index tăng nhẹ còn HNX-Index một lần nữa rơi khỏi mốc 100 điểm.
Sự tích cực quay trở lại các nhóm cổ phiếu bị bán mạnh trong những phiên vừa qua như khu công nghiệp, Viettel, cao su. Cụ thể, nhóm khu công nghiệp ghi nhận các mã SIP, TIP, D2D, BAX, VRG, BCM, SZC, SZL, HPI tăng giá. Trong khi đó, các mã nhóm Viettel như CTR, VGI, VTK, VTP cũng giao dịch khởi sắc từ đầu phiên.
Cổ phiếu PHR cũng hồi phục sau chuỗi lao dốc, hiện tăng 4,3% lên 55.600 đồng. Trước những thông tin trái chiều về tiến độ dự án ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu, Cao su Phước Hòa cho biết đến thời điểm hiện tại việc hợp tác thực hiện các dự án đang diễn ra theo đúng tiến độ.
Theo đó, dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II và KCN VSIP III sẽ được triển khai trong tháng 9, trong khi dự án KCN Tân Lập I dự kiến được triển khai vào đầu năm 2020.
Diễn biến ngược lại, cổ phiếu FTM ghi nhận phiên giảm sàn thứ 19 liên tiếp. Cổ phiếu YEG cũng đảo chiều giảm 4,3% sau khi Tổng Giám đốc Đào Phúc Trí công bố mua xong 1,4 triệu cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/9 diễn biến thận trọng trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ tiếp tục suy giảm, đại gia xe hơi Ford lại gặp áp lực vì bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Cụ thể, chỉ S&P 500 nhích nhẹ lên mức 2.979,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa giảm còn 8.084,16 điểm.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vượt trội, tăng 73,92 điểm (tương đương 0,3%) lên 26.909,43 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của chỉ số này.
Trong phiên 10/9 có lúc Dow Jones giảm hơn 100 điểm xuống còn 26.717 điểm.