Phiên 1/9: Khối ngoại tăng mạnh áp lực bán với tâm điểm 'sang tay' hơn 2.500 tỷ đồng mã MSN
Bất chấp tâm lý giao dịch thận trọng trước kỳ nghỉ lễ 2/9, thị trường chứng khoán vẫn kết phiên trong sắc xanh nhờ động lực dẫn dắt chính từ nhóm hóa chất và bất động sản.
Đóng cửa, VN-Index tăng 3,18 điểm (0,24%) lên 1.334,65 điểm, HNX-Index tăng 0,18% lên 343,42 điểm, UPCoM-Index tăng 0,26% lên 94,01 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt gần 29.217 tỷ đồng, tương đương 972 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch. Trong đó tính riêng giá trị giao dịch trên HOSE là 24.496 tỷ đồng, tăng 7% so với phiên trước đó
Tại HOSE, áp lực xả gia tăng trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ. Theo đó, nhóm này bán ròng gần 630 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần phiên trước đó, tương đương khối lượng bán ròng 6,68 triệu đơn vị.
Dẫn đầu tại chiều bán là giao dịch rút ròng hơn 2,24 triệu cổ phiếu MSN của Msaan, tương ứng giá trị 301 tỷ đồng. Giao dịch được thực hiện chủ yếu qua kênh thỏa thuận với hơn 19,6 triệu cổ phiếu được "sang tay", tổng quy mô 2.517 tỷ đồng.
Theo tờ Bloomberg, nhóm quỹ chính phủ Singapore (GIC) đang chào bán 19,5 triệu cổ phần tại Masan với mức giá thấp hơn giá thị trường từ 4 - 7%. Nhiều khả năng nhóm GIC đã hoàn tất giao dịch bán ra trong phiên 1/9.
Theo sau, giao dịch rút ròng tập trung chủ yếu tại cổ phiếu VHM (Vinhomes) và chứng chỉ quỹ ETF ngoại FUEVFVND. Cụ thể, VHM bị bán ròng 286 tỷ đồng, theo sau là chứng chỉ ETF với áp lực rút ròng mạnh 215 tỷ đồng.
Cùng chiều, giao dịch rút ròng cũng xuất hiện tại nhiều mã bluechip với xung lực dưới 100 tỷ đồng như KBC, VNM, VHC, HCM, HDB, PNJ, PDR...
Trở lại bên mua, cổ phiếu CTG của Vietinbank tiếp tục là tâm điểm thu hút hơn 217 tỷ đồng giá trị mua ròng trong phiên, tương đương khối lượng 6,7 triệu đơn vị. Lực cầu tại CTG tăng gấp 4 lần so với phiên liền trước giúp cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh, tăng 0,79%.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng giải ngân vào cổ phiếu của hai nhà băng khác là MBB và VCB với giá trị lần lượt 42,5 tỷ và 34,3 tỷ đồng bất chấp giao dịch kém sắc tại nhóm này.
Dòng tiền ngoại trở lại mua ròng GVR hơn 217 tỷ đồng trong phiên cổ phiếu này vượt đỉnh lịch sử, chạm mốc 40.100 đồng/cp. Đây cũng là mã đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index với 1,4 điểm. Theo sau, ông lớn VRE của Vincom Retail cũng được mua ròng gần 48 tỷ đồng.
Cùng chiều, lực cầu cũng tìm đến các mã HAH, CRE, POW, HSG và chứng chỉ E1VFVN30 với quy mô mua ròng dưới 20 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại trở lại bán ròng khi thiếu vắng nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Nhóm này rút ròng tổng cộng 16,5 tỷ đồng trong phiên đầu tháng 9, tương đương khối lượng 890.106 đơn vị.
Áp lực chốt lời mạnh nhất được ghi nhận tại DXP của Cảng Đoạn Xá với 7,2 tỷ đồng. Theo sau, nhóm này rút ròng lượng lớn cổ phiếu khỏi BCC (2,5 tỷ đồng), bán ròng đồng thời 1,8 tỷ đồng tại IDJ, BII.
Một số cổ phiếu như SHB, TKU, VNR, PVC...cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều, tuy vậy quy mô bán ròng đều không vượt quá 600 triệu đồng.
Giao dịch có phần ảm đạm ở chiều mua ròng khi không có cổ phiếu nào được mua ròng trên 1 tỷ đồng trong phiên. Lực cầu chủ yếu tập trung tại VGS (622 triệu đồng), PHP (503 triệu đồng), theo sau danh mục mua ròng còn xuất hiện các mã VCS, NDN, DL1, PVS...
Thị trường UPCoM vẫn ghi nhận giao dịch trái chiều với thị trường chung với phiên mua ròng thứ 9 liên tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài. Quy mô giải ngân ròng đạt 17,4 tỷ đồng, tương đương 269.005 đơn vị được mua ròng.
Cổ phiếu mía đường QNS (Đường Quảng Ngãi) bất ngờ trở lại thu hút hơn 8,6 tỷ đồng mua ròng ngay sau phiên chốt lời trước đó. Nối tiếp, lực mua cũng tìm đến VTP (2,9 tỷ đồng), MML (2,7 tỷ đồng), ACV (2,2 tỷ đồng) và VEA (1,2 tỷ đồng).
Trở lại chiều bán, PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 bị chốt lời 712 triệu đồng sau 3 phiên tăng trần. Khối ngoại nối tiếp bán ròng nhẹ các mã SEA (363 triệu đồng), HPP (202 triệu đồng), TTN (161 triệu đồng), MCH (137 triệu đồng).....