|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phí, thuế giao dịch chứng khoán phái sinh: Gánh nặng với nhà đầu tư cá nhân?

07:50 | 13/03/2020
Chia sẻ
Một nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh với vốn ban đầu 20 triệu đồng, riêng phí quản lí tài sản kí quĩ tối thiểu 400.000 đồng cũng chiếm mất 2% vốn mỗi tháng, tương đương 24% mỗi năm, chưa kể các loại phí và thuế khác.

Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư tìm đến kênh đầu tư phái sinh

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đỉnh lịch sử hồi tháng 4/2018. Chỉ trong 4 phiên giao dịch (9 - 12/3), VN-Index mất 122,19 điểm, tương ứng tỉ lệ 13,7% xuống còn 769,25 điểm. Riêng phiên giao dịch 12/3, chỉ số này đánh mất 42,1 điểm với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn.

Trong bối cảnh thị trường cơ sở lao dốc, nhà đầu tư tìm đến thị trường chứng khoán phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận, hoặc gỡ gạc lại mức thua lỗ từ cổ phiếu gây ra.

Số liệu thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 2/2020, thanh khoản trên thị trường phái sinh tăng mạnh so với tháng trước, khối lượng giao dịch bình quân đạt 133.904 hợp đồng/phiên, tăng 70,36%.

Trong đó, phiên có khối lượng giao dịch cao nhất lên tới 204.584 hợp đồng vào ngày 28/2, tăng 1,46 lần so với mức cao nhất của tháng 1.

Khối lượng hợp đồng mở (OI) tăng 2,83% so với tháng 1/2019. Mức OI cao nhất trong tháng 2 đạt 20.802 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 27/2, tăng gấp đôi so với mức cao nhất trong tháng 1/2019. Tại ngày giao dịch cuối cùng của tháng 2, OI đạt 17.095 hợp đồng.

Phí, thuế giao dịch chứng khoán phái sinh: Gánh nặng với nhà đầu tư nhỏ lẻ? - Ảnh 1.

Nguồn: HNX.

Số liệu cũng cho thấy, thị trường phái sinh đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tới 86,4% khối lượng giao dịch toàn thị trường, tăng 2,15% so với tháng trước.

Mặt khác, tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước giảm nhẹ xuống 12,58%. Trong đó, tỉ trọng giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán cũng giảm xuống, chỉ chiếm 1,7% thanh khoản thị trường, phần còn lại là của các tổ chức khác.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cũng tiếp tục tăng lên do nhu cầu đầu tư vào kênh này. Tại thời điểm cuối tháng 2/2020, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 97.427 tài khoản, tăng 1,7% so với tháng trước.

Nhà đầu tư oằn lưng cõng các loại phí, thuế

Phí, thuế giao dịch chứng khoán phái sinh: Gánh nặng với nhà đầu tư nhỏ lẻ? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư tìm đến kênh chứng khoán phái sinh trong bối cảnh thị trường chứng khoán cơ sở lao dốc. Ảnh: Đan Nguyên.

Biên độ dao động lớn trên thị trường phái sinh hẳn mang đến nhiều cơ hội kiếm lời hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, câu chuyện của phái sinh là "zero sum game", tức là trò chơi có người thắng kẻ thua nhưng tổng hoà lại bằng 0, khi người này thắng thì ắt phải có người khác chịu lỗ.

Đặc biệt hơn, liệu đây có thực sự là trò chơi "zero sum game" khi nhà đầu tư đang phải cõng nhiều loại phí, thuế trong quá trình giao dịch, các loại chi phí này thậm chí còn là gánh nặng hơn với nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, một lãnh đạo của công ty chứng khoán Top5 cho biết đã cảm thấy "sốc" khi thống kê lại tiền phí, thuế giao dịch phái sinh. Vị này cho rằng tiền thuế, phí VSD thu quá nhiều đối với một tài khoản nhỏ lẻ.

Cụ thể, nhà đầu tư trên đầu tư phái sinh trên một tài khoản với vốn ban đầu 21,8 triệu do các con ủy thác đầu tư từ tiền mừng tuổi. Sau một năm, tiền phí công ty chứng khoán thu là 924.600 đồng (chiếm 4,24% vốn đầu tư), trong khi đó tổng tiền phí VSD thu là 6 triệu (27,54%).

Tổng cả thuế và phí phải trả trong một năm là 7,63 triệu, tương đương 35,6%. Nhà đầu tư này cho biết, mức thuế và phí này quá cao, đặc biệt với nhà đầu tư nhỏ lẻ khi chưa kể đến lãi lỗ, tài khoản đã bốc hơi vài chục %.

Ví dụ thực tế trên cho thấy, các loại phí giao dịch phái sinh hiện là gánh nặng khá lớn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn.

Theo qui định, mức phí quản lí tài sản kí quĩ do VSD thu tối thiểu là 400.000 đồng và tối đa là 2 triệu đồng/tài khoản/tháng. Như vậy, nhà đầu tư tham gia thị trường với vốn ban đầu 20 triệu đồng, mức phí quản lí tài sản kí quĩ tối thiểu 400.000 đồng cũng chiếm mất 2% vốn mỗi tháng, tương đương 24% mỗi năm.

So với một số nước trên thế giới và khu vực, phí và thuế giao dịch đối với thị trường phái sinh Việt Nạm hiện cũng ở mức khá cao. Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tại Thái Lan, thuế giao dịch được miễn đối với nhà đầu tư cá nhân, riêng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chỉ bị đánh thuế trên thặng dư vốn. 

Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc mở cửa thị trường phái sinh từ năm 1996, đã miễn thuế giao dịch cho tới năm 2016, sau đó mức thu chỉ là 0,001% trên giá trị giao dịch. Thị trường Đài Loan cũng áp dụng thuế giao dịch, nhưng liên tục giảm dần, hiện mức thuế chỉ còn 0,002%.

Bắt đầu từ ngày 15/2/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) bắt đầu thu phí dịch vụ đối với giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư.

Cụ thể, phí giao dịch chứng khoán phái sinh nộp cho HNX là 3.000 đồng/hợp đồng tương lai chỉ số (mức phí là 5.000 đồng đối với hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ). Còn phí quản lí vị thế và phí quản lí tài sản kí quí do VSD thu. Trong đó, mức phí quản lí vị thế là 3.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày (tính cả ngày nghỉ).

Mức phí quản lí tài sản kí quĩ là 0,003% giá trị lũy kế số dư tài sản kí quỹ (tiền + giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng, tối đa là 2 triệu đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu là 400.000 đồng/tài khoản/tháng (nộp vào ngày làm việc cuối cùng của tháng).

Đan Nguyên

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.