|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phát triển nông nghiệp sạch: Cần loại bỏ tư duy 'chụp giật'

09:37 | 07/06/2019
Chia sẻ
Phát triển nông nghiệp sạch là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế và tiềm năng sẵn có của đất nước vốn có nhiều thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân lực… Tuy nhiên, con đường làm nông nghiệp sạch phải hướng đến phát triển bền vững, loại bỏ cách làm “chụp giật”, chỉ nghĩ đến hôm nay và ngày mai thì mới mong tiến xa.

Tại buổi ra mắt Chương trình Hỗ trợ Khởi nghiệp nông nghiệp thực chiến Saigon Times và tọa đàm Con đường đến nông nghiệp sạch bền vững diễn ra tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM vào hôm nay, 6-6, các cố vấn của chương trình đã cùng nhau thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên con đường khởi nghiệp nông nghiệp.

Còn mang nặng tư duy "chụp giật"

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 4-2019 cả nước có 25.339 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 319 tỉ đô la. Trong đó, chỉ có 522 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với tổng vốn gần 3.577 triệu đô la, tuy nhiên mới chỉ chiếm 1,22% trong tổng vốn đầu tư.

Phát triển nông nghiệp sạch: Cần loại bỏ tư duy chụp giật - Ảnh 1.

Các thành viên trong Ban cố vấn của chương trình Hỗ trợ Khởi nghiệp Nông nghiệp thực chiến Saigon Times. Ảnh Trần Linh.


Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam, đồng thời là một trong những nhà đầu tư tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng giá trị đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào nông nghiệp ở nước ta mới đạt 240 triệu đô la và mới chỉ tương đương với 0,04% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam (57 tỉ đô la).

Đầu tư cho nông nghiệp đã có nhiều tiến triển trong những năm qua nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của đất nước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018 sản xuất nông nghiệp đóng góp 14,57% GDP nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ đạt 5-6 % GDP.

Tại buổi tọa đàm, một vấn đề được nhiều đại biểu đề cập, đó là có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng hiệu quả và chất lượng chưa cao, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng "sớm nở tối tàn". Một nguyên nhân được chỉ ra đó là do tâm lý nóng vội, tư duy chụp giật.

Theo ông Bùi Hồng Quân, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam, làm nông nghiệp mà doanh nghiệp nào nghĩ đến bền vững thì trụ vững, phát triển; doanh nghiệp nào "loi choi", tính ngày hôm nay, ngày mai, ngày mốt gì đó thì 1, 2 năm sau không còn thấy đâu. Do đó phải tính kế hoạch 5-10 năm. Tâm lý nóng vội ngày mai phải giàu rất khó làm nông nghiệp.

Cũng theo ông Quân, có nhiều doanh nghiệp chỉ sau 3 năm đã hoàn toàn thất bại. Mùa đầu tiên có thể rất trúng, nhưng đến mùa thứ 2 và thứ 3 doanh nghiệp có thể "bán cả nhà và xe". Làm nông nghiệp không có công thức hay mô hình mẫu nào, quan trọng nhất là mình kiên trì, từ từ thay đổi. Nhiều công nghệ nước ngoài khi áp dụng vào Việt Nam cũng cần phải phù hợp.

Theo giáo sư Phan Văn Trường, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam: "Đất nước chúng ta cần rất nhiều công ty khởi nghiệp thành công nhưng tỉ lệ thành công rất thấp, tôi nghĩ 1.000 công ty mới cơ 1 thành công, như vậy muốn có 1.000 công ty thành công phải có 1 triệu công ty khởi nghiệp".

Do đó, theo ông, các công ty khởi nghiệp nông nghiệp cần một sự hỗ trợ khi mà ngân sách của nhà nước chỉ có hạn.

Cũng theo ông, Việt Nam vẫn chưa tạo được một hệ sinh thái trong phát triển nông nghiệp, vẫn còn tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, trong khi ở nước ngoài tất cả đều ngồi lại và vui vẻ với nhau.

Đề cao chính sách chất lượng

Phát triển nông nghiệp sạch: Cần loại bỏ tư duy chụp giật - Ảnh 2.

Giáo sư Phan Văn Trường tại buổi tọa đàm. Ảnh Trần Linh


Vấn đề chất lượng nông sản được nhiều đại biểu đề cập quan tâm. Phát triển nông nghiệp sạch không chỉ quan tâm về mặt số lượng mà vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong xu thế phát triển của cuộc sống hiện đại, người dân có xu hướng ăn ít nhưng phải ngon, sạch.

Ông Trường dẫn ví dụ về một ngôi chợ tại Mỹ, một người chỉ bán sa lát nhưng giá cao gấp 5 lần so với các gian hàng bên cạnh nhưng khi ăn thử thì thấy quả thật xứng đáng. Một người đàn ông bán rượu, cả quầy chỉ có duy nhất 1 chai và một ngày ông chỉ bán 2 chai, nhưng thực sự chất lượng vượt xa các loại rượu khác. Mặc dù chỉ bán vậy, nhưng công việc kinh doanh của họ rất tốt, họ có thể sống thoải mái bởi mục đích của họ không phải cần giàu nhanh, giàu vội mà là mang lại niềm vui cho người khác.

Theo ông, một vấn đề quan trọng hiện nay là Việt Nam chưa tin vào việc tạo giá trị. Làm nông nghiệp không có gì quan trọng hơn là một chính sách chất lượng. Chất lượng thêm một tí nhưng thêm giá trị gia tăng rất lớn đặc biệt trong nông sản. Một món ngon bán dễ hơn cho dù giá cao.

Đặc biệt, chất lượng sản phẩm nông nghiệp là vấn đề không thể giấu được đối với người tiêu dùng.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn đặt ra nhiều vấn đề như nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm, các chính sách về nhân sự... Đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường hàng hóa thế giới nhưng tình trạng manh mún và điệp khúc được mùa mất giá của các hộ làm nông nhỏ lẻ vẫn đang tiếp diễn. Bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam tuy được quan tâm nhưng vẫn cần hơn nữa sự chuyên nghiệp và chiến lược phát triển cụ thể.

Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp thực chiến Saigon Times có sự tham gia của 7 cố vấn:

- Cố vấn hỗ trợ tài chính, gọi vốn: Ông Trần Thanh Tâm, chuyên viên kiểm soát tài chính, Công ty CP Công nghệ Việt Á.

- Cố vấn hỗ trợ Marketing, digital marketing, sự kiện: Ông Seb Tran, Giám đốc Công ty SHI MARCOMS Co.

- Cố vấn hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp: Ông Bùi Hồng Quân, Viện trưởng Viện công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam.

- Cố vấn hỗ trợ đào tạo bán hàng: Ông Andy Nhân Huỳnh, Giám đốc kinh doanh Công ty CP địa ốc Châu Á - Thái Bình Dương.

- Cố vấn hỗ trợ tuyển dụng, quản trị nhân sự: Chuyên viên Vũ Thị Kim Thu.

- Cố vấn hỗ trợ liên kết, hợp tác phát triển, tối ưu hóa nguồn lực: Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Giám đốc Nông trại Ong Vàng.

- Cố vấn quản trị vận hành: Bà Dương Hoài Giang Hà, Founder & CEO International Education Viet Nam.

Ban cố vấn của chương trình với chuyên môn và kinh nghiệm sẽ có các buổi họp mặt hàng tháng nhằm chia sẻ, hướng dẫn startup hoàn thiện dần các khía cạnh của một doanh nghiệp, nâng cao năng lực. Ngoài ra, còn có những lớp chuyên đề sâu 1 kèm 1 diễn ra hàng tuần một cách chặt chẽ, đảm bảo startup phát triển đúng tiến độ.